Sau khi phát sóng 4 tập đầu tiên, Psycho But It’s Okay (Điên Thì Có Sao) của Kim Soo Hyun và Seo Ye Ji đã gây ấn tượng mạnh không chỉ ở lối diễn xuất của các diễn viên, sự chỉn chu về hình ảnh, âm thanh mà còn là ở tính nhân văn sâu sắc của nội dung, cụ thể là câu chuyện về những đứa con bị chính cha mẹ ruột bỏ rơi.
Thông tin phim Psycho But It’s Okay (Điên Thì Có Sao)
- Tên khác: It’s Okay To Not Be Okay (Điên Thì Có Sao)
- Thể loại: Lãng mạn, chính kịch
- Đài phát sóng: tvN
- Diễn viên: Kim Soo Hyun, Seo Ye Ji, Park Gyu Young, Oh Jung Se,…
- Biên kịch: Jo Young
- Đạo diễn: Park Shin Woo
- Ngày phát sóng: 20/6/2020
Psycho But It’s Okay (Điên Thì Có Sao) không chỉ dừng lại ở câu chuyện tình yêu đơn thuần mà ẩn chứa trong đó còn có những thông điệp sâu sắc khác, đặc biệt là tình cảm gia đình. Thay vì đi theo lối mòn, bộ phim khai thác một khía cạnh khác hoàn toàn: Gia đình không phải lúc nào cũng tốt đẹp.
1.”Sao mày vẫn còn sống? Chết đi”
“Tại sao mày vẫn còn sống? Chết đi. Chết đi. Đồ quái vật”. Bạn có tin không? Đây là câu nói mà một người cha nói với con gái ruột của mình sau nhiều năm không gặp. Người cha ấy không ai khác, đó là Ko Dae Hwan, cha ruột Ko Mun Yeong (Seo Ye Ji). Không chỉ dừng lại ở lời nói, ông còn lao đến bóp cổ, cố giết con gái mình giữa chốn đông người nơi bệnh viện.
Đây không phải là lần đầu tiên người xem được chứng kiến cảnh nhà văn Ko Mun Yeong bị cha đẻ bạo hành. Trong quá khứ, Ko Mun Yeong cũng từng bị cha bóp cổ suýt chết khiến cô ám ảnh và căm thù cho tới tận bây giờ. Khi ai đó nhắc tới cha, Mun Yeong đều nói rằng “Ông ta đã chết từ lâu” cho dù ông vẫn đang sống trong bệnh viện tâm thần.
Ko Mun Yeong lớn lên bằng sự hận thù, căm phẫn dành cho cha mình. Mẹ mất sớm, bị cha ghét bỏ đến mức muốn giết, vết thương lòng hằn sâu trong trái tim Mun Yeong khiến cô mắc căn bệnh chống đối xã hội. Cô không có tuổi thơ, không có bạn bè, không có người thân thiết xung quanh. Bên ngoài tỏ ra là một người kỳ quái, lạnh lùng nhưng bên trong, Ko Mun Yeong là một người dễ bị tổn thương, yếu đuối.
Sau khi bị cha bóp cổ bạo hành giữa bệnh viện, Ko Mun Yeong rơi vào trạng thái tuyệt vọng và buồn bã, khác hoàn toàn với hình ảnh mạnh mẽ trước đó. Có lẽ thẳm sâu trong trái tim, Ko Mun Yeong cũng có chút hi vọng khi gặp lại cha mình. Cha của Ko Mun Yeong quả thực là một người độc ác, nhẫn tâm khi làm điều đó với con gái mình.
Nhưng có lẽ, ẩn sau những hành động và lời nói đầy đau lòng đó là một câu chuyện dài, câu chuyện dẫn đến sự hận thù của hai cha con và cái chết đầy bí ẩn của mẹ Ko Mun Yeong sẽ được hé lộ ở những tập phim tiếp theo.
2.”Mẹ sinh con ra là để con bảo vệ anh”
Moon Gang Tae (Kim Soo Hyun) sinh ra trong một gia đình vắng bóng người cha, anh trai của anh – Moon Sang Tae là một người mắc chứng tự kỉ bẩm sinh. Vì vậy ngay từ khi còn nhỏ, Gang Tae đã phải phụ mẹ chăm sóc anh trai. Vài năm sau, mẹ anh cũng mất trong một vụ tai nạn. Mọi công việc trong gia đình đều đổ dồn lên vai Moon Gang Tae.
Khi còn nhỏ, Gang Tae đã biết được tình cảm và sự quan tâm của mẹ dành cho anh trai lớn hơn mình. Gang Tae cảm nhận được điều đó, nhưng vì là một đứa trẻ ngoan, anh không dám cãi lại. Khi bị mẹ đánh vì không bảo vệ được anh trai khỏi lũ trẻ trong làng, Moon Gang Tae chỉ dám im lặng chịu đòn mà không nói gì.
Trong một lần say rươu, mẹ Gang Tae đã nói: “Mẹ đã nuôi anh con khôn lớn, con chỉ cần chăm lo và bảo vệ anh là được”, “Mẹ sinh con ra là để con bảo vệ anh”,…Những câu nói đầy tính sát thương được thốt ra từ chính người mẹ của mình, thử hỏi đứa trẻ nào không đau lòng.
Đi dưới trời mưa nhưng mẹ chỉ chăm chăm che ô cho anh, sợ anh bị cảm, còn Gang Tae dù có dừng lại giữa trời mưa ấy, mẹ cũng không biết. Mỗi đêm nằm ngủ, mẹ ôm ấp vỗ về anh trai, mẹ đắp chăn cho anh sợ anh ốm nhưng còn Gang Tae níu áo mẹ khóc mỗi đêm, mẹ cũng chẳng hay. Mẹ đâu biết đứa con trai út ấy chịu nhiều tổn thương như thế nào, khi mà mẹ chẳng bao giờ đáp lại tình yêu thương ấy.
Gang Tae muốn có được sự chăm sóc, vỗ về của mẹ, vậy nên cậu bé luôn cố gắng mỗi ngày. Gang Tae ngoan ngoãn, hiểu chuyện nên không bao giờ ganh tị hay hận thù với sự quan tâm của mẹ dành cho anh trai. Gang Tae thương mẹ, nên dù có bị đối xử thế nào, anh cũng chẳng màng oán trách. Trong ký ức của Gang Tae, mẹ luôn là người tuyệt vời nhất.
3.”Đứa con không có tác dụng, tôi không cần”
Không chỉ thể hiện tình cảm gia đình thông qua hai nhân vật chính mà tuyến nhân vật phụ trong Psycho But It’s Okay (Điên Thì Có Sao) cũng được biên kịch khai thác triệt để. Kwon Gi Do – một bệnh nhân thường xuyên của bệnh viện tâm thần ổn định nơi Gang Tae làm việc là một ví dụ. Kwon Gi Do có bề ngoài là một người giàu có và sành điệu, là con trai út của nghị sĩ Kwon Man Su, tuy nhiên anh chàng lại mắc chứng “hưng cảm cấp tính”.
Chỉ vì không được bình thường như bao người khác mà Kwon Gi Do bị cha mẹ ghẻ lạnh, bỏ rơi, họ ép anh phải tới bệnh viện tâm thần khi mà cha anh tham gia vận động bầu cử. Cùng chung dòng máu với những người trong gia đình nhưng Kwon Gi Do luôn bị coi như người vô hình, coi thường và đánh đập.
Chính từ sự vô cảm của những người gọi là “gia đình” ấy mà Kwon Gi Do luôn làm ra những chuyện điên rồ, náo loạn. Suy cho cùng anh chỉ mong muốn được bố mẹ quan tâm, chú ý hơn tới mình mà thôi. Vậy nên khi bị mẹ tát, Kwon Gi Do không hề cảm thấy oán trách, giận dữ, trái lại anh còn cảm nhận được tình yêu thương từ cú đánh đó. Anh ngỡ là mẹ chỉ quan tâm đến anh chị của mình, nhưng cho tới hôm nay, Gi Do mới cảm nhận được sự yêu thương từ mẹ.
Mẹ Gi Do trách anh tại sao lại luôn làm bà lo lắng, bất an, tại sao không chịu ở yên mà cứ muốn lao vào chỗ chết, tại sao lại không chịu nghe lời bà. Mẹ Gi Do hẳn rất thương đứa con trai này, nhưng bà chẳng thể làm gì được. Trái lại, cha của Gi Do mới là người luôn muốn vứt bỏ đứa con này. Đối với ông, đứa con không có tác dụng thì ông sẽ không cần. Đứa con mà khiến ông thất vọng, sẽ chẳng phải là con ông.
Thử hỏi ngoài kia có bao nhiêu đứa con cũng bị cha mẹ đối xử tệ bạc như Kwon Gi Do? Sinh ra đã không được bình thường đâu có phải lỗi của những đứa trẻ, tại sao lại vứt bỏ chúng? Chỉ vì không phải là niềm tự hào của cha mẹ mà coi chúng như người vô hình. Nếu như Kwon Gi Do được sinh ra trong một tình yêu thương và sự quan tâm lớn hơn thì có lẽ, bệnh tình của anh đã cải thiện được rõ rệt.
Bất kì ai dù còn là đứa trẻ nhỏ hay đã trưởng thành đều cần có sự chăm sóc, yêu thương của cha mẹ. Biên kịch Psycho But It’s Okay (Điên Thì Có Sao) đã rất thành công khi khai thác được khía cạnh khác của gia đình, không phải gia đình nào cũng tốt, không phải cha mẹ nào cũng yêu thương con cái và không phải đứa trẻ nào cũng may mắn khi có đủ cả cha lẫn mẹ.
Xem thêm:
Hãy theo dõi BlogAnChoi để cập nhật những thông tin mới nhất nhé!