Chưa khi nào trong dòng lịch sử màn ảnh rộng của Việt Nam lại có những bước đổi mới và nhảy vọt mang tính bức phá như lúc này. Chúng ta thử sức với những thể loại mới, chúng ta đem những câu chuyện về văn hóa, về anh tài nước nhà đến với khán giả bốn phương, chúng ta đặt niềm tin hoàn toàn vào những người trẻ, một ngoại lệ chưa từng có trong lịch sử điện ảnh Việt Nam từ trước đến nay.
“Nhắm Mắt Thấy Mùa Hè” – phát súng khởi đầu cho sự đổi mới của điện ảnh Việt 2018
Những câu chuyện về cảm xúc, về rung động đầu đời của người trẻ vốn không phải là đề tài gì xa lạ đối với khán giả Việt. Nó đã xuất hiện và được lặp đi, lặp lại hàng ngàn lần trong lịch sử điện ảnh của Việt Nam. Nhưng Nhắm Mắt Thấy Mùa Hè thì khác hẳn, nó mới, rất mới và gần như là duy nhất trong làng điện ảnh Việt.
Nói là “duy nhất” bởi mặc dù khai thác một chủ đề gần gũi nhưng bộ phim lại được thực hiện bởi những gương mặt mới tinh và hầu như chưa hề có chút kinh nghiệm nào trong quá trình sản xuất phim điện ảnh – một điều nghe qua sẽ tưởng như cực kì vô lý bởi với nền điện ảnh khắc nghiệt như Việt Nam thì những bộ phim được đầu tư kĩ lưỡng bởi những nhà sản xuất dày dặn cốt cán cũng khó lòng lên sóng chứ nói chi đến chuyện những gương mặt mới chưa có chút tên tuổi nào.
Nhắm Mắt Thấy Mùa Hè khai thác câu chuyện của tuổi trẻ một cách nhẹ nhàng, những khoảng trống khó hiểu, đôi khi gây hụt hẫng để lại cho khán giả những cảm xúc rất khó gọi tên. Nếu theo dõi hành trình làm phim của nhóm bạn trẻ, chắc hẳn sẽ có nhiều cảm xúc rạo rực khó tả dâng lên trong lòng mỗi người. Bởi trong chuyến hành trình đưa Nhắm Mắt Thấy Mùa Hè lên màn ảnh rộng, họ đã phải trả giá và đánh đổi rất nhiều mới tạo ra được những kì tích như ngày hôm nay.
Xét theo góc nhìn điện ảnh, Nhắm Mắt Thấy Mùa Hè không phải là một bộ phim quá xuất sắc bởi kịch bản có phần đơn giản, dễ đoán và những tình tiết không thực sự chắc tay để lại cho bộ phim những dấu chấm hỏi mập mờ khó định hình và những cảm xúc chưng hửng, không tiến cũng không lùi.
Nhưng với góc độ của một người thưởng thức, Nhắm Mắt Thấy Mùa Hè lại là một thước phim không thể hoàn hảo hơn bởi nó được viết dành cho những người trẻ. Vậy nên những cảm xúc hoang hoải, vô phương không thể định hình mà bộ phim mang lại đôi khi lại là câu trả lời hoàn hảo nhất cho những người trẻ vốn còn trong giai đoạn bùng nổ của cảm xúc.
“Mùa Viết Tình Ca” – bộ phim nhạc kịch đầu tiên thành công tại Việt Nam
Nói một cách chính xác thì Mùa Viết Tình Ca không phải là bộ phim nhạc kịch đầu tiên của Việt Nam bởi trước đó cũng đã có một bộ phim theo đuổi chủ đề này là Những Nụ Hôn Rực Rỡ. Nhưng ở thời điểm đó với sự hạn chế về kịch bản và kĩ xảo, bộ phim vẫn chưa thể để lại một tiếng vang nào. Thành ra nhạc kịch vẫn là một khái niệm gì đó quá xa lạ với khán giả Việt.
Mãi đến 2018, với sự xuất hiện của Mùa Viết Tình Ca, khán giả Việt mới từng bước đầu biết tới sự xuất hiện của thể loại nhạc kịch vốn được mặc định chỉ dành cho điện ảnh phương Tây. Trong bộ phim hoàng loạt những ca khúc cũ và mới của âm nhạc Việt được đem vào như “Mặt trời của em”, “Dòng thời gian”… làm nhịp điệu của bộ phim đẩy lên nhanh hết thảy.
Phải có mặt tại rạp chiếu khoảng thời gian bộ phim được ra mắt trên màn ảnh rộng mới có thể hiểu hết được âm nhạc trong phim khuấy động mạnh mẽ đến cảm xúc như thế nào. Khi mà từng câu chữ, từng giai điệu, từng mạch đập về cảm xúc của tuổi trẻ của các diễn viên như được hòa thành một nhịp thống nhất để rồi trong kí ức của khán giả khi đó chỉ còn là những tiếng ca.
Mặc dù vẫn còn tồn đọng khá nhiều lỗi kĩ thuật và kịch bản cũng như kịch tích giữa nữ chính và tình nhân cũ làm chưa tới hay ca khúc chủ đề lại chìm hơn những ca khúc phụ… thì Mùa Viết Tình Ca vẫn là một bộ phim đáng xem nhất là với những ai yêu thích nhạc Việt và tò mò với những câu chuyện tình cảm trong giới ShowBiz.
“Song Lang” – khi những giá trị văn hóa cổ truyền được đem lên màn ảnh rộng
Tương tự như trường hợp của Mùa Viết Tình Ca, Song Lang không phải là bộ phim đầu tiên đưa nền văn hóa Cải Lương Việt Nam lên màn ảnh rộng. Bởi trước đó thể loại này từng xuất hiện trong một phân cảnh nhỏ của Sài Gòn Anh Yêu Em và một số bộ phim điện ảnh khác. Nhưng tập trung toàn tâm toàn ý về chủ đề này và đi sâu vào những giá trị nghệ thuật, nhân văn bên trong nó thì Song Lang chính là bộ phim đầu tiên.
Từng câu chuyện, từng lời thoại, từng hành động như lột trần những góc khuất của những người nghệ sĩ theo đuổi bộ môn nghệ thuật Cải Lương. Chẳng ai ngờ được một người nghệ sĩ Cải Lương vốn mặc định hiền lành, khép nép lại có thể tung nắm đấm khi gặp chuyện bất bình. Cũng chẳng ai ngờ một người nhìn thô kệch, khó gần lại có những giây phút ấm áp đến không ngờ. Bởi sau tất cả, họ cũng chỉ là một con người và những vai diễn sân khấu kia cũng chỉ là một tấm màn giấu đi những cảm xúc chân thật sau con người họ.
Bộ phim gây ra khá nhiều những tranh cãi bởi âm nhạc trong phim chưa thật sự lột tả hết được phần hồn của cải lương mà thay vào đó lại thiên về hướng pop hiện đại. Tuy nhiên xét theo một góc độ nào đó, Song Lang xứng đáng nhận được một lời khen khi mở đầu cho trào lưu đưa những giá trị nghệ thuật Việt Nam đến với đông đảo khán giả Việt.
Trạng Quỳnh, bộ phim dã sử đầu tiên của Việt Nam
Tương tự như ba bộ phim trước, khép lại danh sách này cũng là một bộ phim để lại dấu ấn đầu tiên trong dòng lịch sử điện ảnh Việt. Ở đây chính là Trạng Quỳnh, bộ phim đầu tiên của màn ảnh rộng khai thác chủ đề dã sử, điện ảnh dân gian Việt Nam.
Nội dung của phim xoay quanh câu chuyện của Trạng Quỳnh, một “anh Tài” đất Việt vốn đã không còn xa lạ với khán giả qua những giai thoại được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Dù trong phim Trạng Quỳnh và những người bạn đều chỉ là những nhân vật “thấp cổ, bé họng” trong xã hội nhưng họ lại không hề sợ sệt khi phải đối đầu với những thế lực cường hào, ác bá.
Vì còn đang trong giai đoạn bấm máy nên vẫn chưa có quá nhiều thông tin về bộ phim này nhưng sự xuất hiện của Trạng Quỳnh trong lịch sử điện ảnh báo hiệu một cột mốc hoàn toàn mới với màn rộng Việt Nam. Bởi những nhà làm phim thời đại này đã can đảm đưa những “anh tài” và lòng tự hào của con dân Việt lên công chiếu bất kể điều đó có thể khiến cho họ gặp nhiều bất lợi về mặt doanh thu.
4 bộ phim, bốn câu chuyện khác nhau nhưng đều có chung một hướng nhìn tiến tới sự phát triển của điện ảnh Việt. Điều này ít nhiều thể hiện chữ tâm với nghề của những nhà làm phim Việt khi họ đã quyết định đặt sự cống hiến và lòng tự hào lên hàng đầu thay vì chú trọng vào thị trường và doanh số như những người làm phim thế hệ trước.
Trạng Quỳnh được dự kiến khởi chiếu vào dịp tết Nguyên Đán 2019. Cùng chờ đợi và hy vọng vào một trong những bộ phim để lại dấu mốc trong làng điện ảnh Việt.
Và đừng quên theo dõi BlogAnChoi để cập nhật những tin tức giải trí thú vị nhé.