Xuất hiện trên màn ảnh rộng trước cả khi các Avengers thống trị phòng vé, loạt phim về các Dị nhân X-Men là một trong những thương hiệu điện ảnh nổi tiếng và lâu đời nhất của dòng phim siêu anh hùng nói chung và của Marvel nói riêng. Ấy vậy mà, thương hiệu vĩ đại này đã phải tự đặt dấu chấm hết cho chính mình một cách đầy tiếc nuối ngay sau khi bộ phim X-Men: Dark Phoenix được ra mắt.
Năm 2019 có thể xem là một năm cực kì thành công của giới điện ảnh với rất nhiều bom tấn phòng vé được công chiếu, và cũng là năm mà nhiều franchise đình đám đánh dấu cái kết cho chặng đường dài của mình.
Có những franchise kết thúc trọn vẹn như Toy Story 4, có những franchise mà cái kết cũng là một sự khởi đầu cho một cuộc hành trình mới như Infinity Saga của MCU với tác phẩm tỉ đô Avengers: End Game, và song song với đó, cũng có những franchise kết thúc một cách đầy cay đắng và thất vọng như series đình đám Game of Throne mùa thứ 8. Và cũng thật đáng tiếc hay, X-Men: Dark Phoenix – bộ phim cuối cùng của franchise X-Men sau phi vụ Disney mua lại 20th Century FOX – lại nằm ở loại thứ 3, một kết thúc đầy vội vàng và chóng vánh.
Giới thiệu phim X-Men: Dark Phoenix
- Điểm IMDB: 5.7/10
- Rotten Tomatoes: 22%
- Đạo diễn kiêm Nhà sản xuất: Simon Kinberg
- Dựa trên: X-Men của Stan Lee và Jack Kirby
- Diễn viên chính: James McAvoy, Sophie Turner, Michael Fassbender, Jennifer Lawrence, Evan Peters, Jessica Chastain
- Âm nhạc: Hans Zimmer
- Công chiếu: 04/06/2019
- Độ dài: 114 phút
- Kinh phí: 200 triệu đô
- Doanh thu: 252,4 triệu đô
Nội dung phim X-Men: Dark Phoenix
Lấy bối cảnh 10 năm sau các sự kiện từ X-Men: Apocalypse (2016), sau một nhiệm vụ trong vũ trụ của nhóm X-Men, một luồng năng lượng lạ đã nhập vào Dị nhân Jean Grey khiến cô bộc lộ một sức mạnh vô cùng phi thường, tuy vậy bản thân cô lại không kiểm soát được chính năng lực này và đã vô tình gây hại đến các bạn bè và người thân khác trong nhóm X-Men. Song song cùng hành trình trốn chạy của Jean là những đấu tranh trong nội bộ giữa các Dị nhân giữa việc cứu hay giết cô – một đồng loại và cũng là một người đồng đội vô giá đối với họ, đồng thời, xuất hiện một bên phản diện thứ 3 đến từ ngoài hành tinh với tham vọng độc chiếm lấy nguồn sức mạnh to lớn của Jean Grey.
Trailer phim X-Men: Dark Phoenix
Điểm đáng nhớ của X-Men: Dark Phoenix
Các phân cảnh hành động ở nửa đầu phim được thực hiện tương đối chỉnh chu và đẹp mắt, thể hiện rõ ràng sức mạnh khác người của các Dị nhân. Thêm nữa, các bản nhạc do Han Zimmer biên soạn vẫn rất đặc sắc và đáng nhớ, góp phần tăng cao trào tốt cho các trận chiến của các X-Men.
Ngoài ra, diễn xuất của bộ đôi diễn viên gạo cội James McAvoy trong vai Giáo sư X – Charles Xavier và Michael Fassbender trong vai The Magneto – Erik Lehnsherr là một điểm sáng hiếm hoi của bộ phim. Bất chấp việc quá ít đất diễn trong bộ phim, thì 2 tài tử vẫn chứng tỏ vì sao họ chính là lựa chọn hoàn hảo nhất cho 2 vai diễn kinh điển này.
Điều gì khiến X-Men: Dark Phoenix mất điểm thảm hại?
Cốt truyện rời rạc, thiếu điểm nhấn
Cốt truyện của X-Men: The Dark Phoenix phải nói là vô cùng đơn giản, dễ đoán và có một mạch phim chậm đến mức nhàm chán. Kịch bản cũng không có bất kì một điểm nhấn quan trọng nào đủ ấn tượng để khiến khán giả phải nhớ đến. Tiếp đến, việc tập trung quá nhiều vào Jean Grey đã khiến cho toàn bộ 3 phe phái còn lại quá mờ nhạt và ít đất diễn, thậm chí cả phe phản diện thứ 3 và cũng là phản diện chính của bộ phim chỉ có thời lượng lên hình vỏn vẹn có vài phút vào hồi cuối của bộ phim.
Việc tên của phim cũng như nội dung thể hiện rõ Jean Grey nào đó sẽ được khai thác sâu hơn những người còn lại vốn không phải là một kịch bản mới lạ gì, nhưng điều đó không có nghĩa là ta được phép vứt bỏ đi những tuyến nhân vật còn lại hay những mối quan hệ xung quanh Jean Grey một cách hời hợt như vậy.
Mờ nhạt từ nhân vật tới diễn xuất
Như đã đề cập phía trên, mặc dù là một bộ phim về nhóm X-Men, nhưng bộ phim lại quá tập trung vào nhân vật Jean Grey, và tuyến nhân vật phụ còn lại của bộ phim – ngoài bộ đôi Giáo sư X và Magneto – lại quá đỗi nhạt nhẽo, không có gì đáng nhớ.
Chuyện tình giữa Cyclops và Jean Grey thì được khai thác hời hợt, thiếu điểm nhấn, khiến cho khán giả không thể nào đồng cảm được vì sao thủ lĩnh của nhóm X-Men lại mong muốn cứu cô đến như vậy. Các tuyến phụ còn lại thì không có gì đáng để tâm đến. Và thậm chí những nhân vật có nhiều fan từ những phần phim trước như Mystique và QuickSilver lần lượt là chết và bị thương nặng một cách lãng xẹt ở hồi đầu của phim, và biến mất hoàn toàn ở mạch sau mà không có chút ảnh hưởng gì đến cốt truyện chung.
Ngoài ra, diễn xuất của các diễn viên (ngoại trừ bộ đôi McAvoy và Fassbender) thực sự rất hời hợt, khô cứng. Dù là nhân vật chính của bộ phim, khả năng diễn xuất không mấy đặc sắc của Sophie Turner không thể giúp người xem đồng cảm được với nhân vật Jean Grey, cùng với một kịch bản đơn giản, nên dù đất diễn có rất nhiều, thì Jean Grey vẫn là một nhân vật mờ nhạt, thiếu chiều sâu.
Các nhân vật khác thì có quá ít thời lượng lên hình để bàn đến khả năng diễn xuất. Và Jessica Chastain có thể nói là diễn viên bị lãng phí nhất ở bộ phim này, khi vai phản diện của cô có quá ít thời gian được xuất hiện để nữ minh tinh có thể bộc lộ tài năng diễn xuất của mình.
Kĩ xảo và hành động ở nửa cuối phim là một sự thất vọng
Nếu ở nửa đầu phim, cả kĩ xảo lẫn hành động đều được thực hiện hoàn chỉnh và tương đối đẹp mắt, thì ở nửa sau của phim rõ ràng bạn sẽ phải thất vọng đấy. Những phân cảnh hành động thì không quá đặc sắc còn phân đoạn CGI ở cuối phim trông thực sự rất thô và đơn điệu, thiếu điểm nhấn.
Và đáng trách hơn, khi trận chiến cuối cùng của X-Men: Dark Phoenix và cũng là trận chiến cuối cùng của nhóm X-Men lừng lẫy một thời đáng lý ra phải là trận chiến đẹp mắt và xứng đáng được đầu tư nhiều hơn thế. Thế nhưng rốt cuộc, những gì fan hâm mộ nhận lại là một cuộc chiến vô cùng nhạt nhòa và đáng quên nhất trong lịch sử dòng phim X-Men.
Một số sự kiện bên lề khiến X-Men: Dark Phoenix thất bại
X-Men: Dark Phoenix vốn không phải là cái kết cho cả franchise X-Men mà chỉ là một phần phim spin-off ngắn với kinh phí thấp nhằm khai thác vào nhân vật Jean Grey. Tuy nhiên, sự đi xuống của công ty sản xuất lúc bấy giờ của X-Men là 20th Century FOX cùng phi vụ tỉ đô mua lại “nhà Cáo” của Disney đã khiến bộ phim liên tục gặp nhiều rắc rối trong quá trình sản xuất, khiến bộ phim đã liên tục phải dời lịch chiếu, reshoot lại các cảnh quay cũng như chỉnh sửa kịch bản liên tục, dẫn đến việc kinh phí sản xuất của bộ phim đã lên đến con số 200 triệu USD.
Có kinh phí ngang tầm một bộ phim bom tấn của MCU hay DCEU là thế, thế nhưng, chính vì sự non tay trong bộ phim đầu tay do mình đạo diễn, Simon Kinberg đã khiến bộ phim này không khác gì một mớ lộn xộn, chắp vá. Chính vì quá nhiều vấn đề đó, hậu quả là bộ phim đã bị lỗ đến hơn 133 triệu đô la và trở thành quả bom xịt lớn nhất phòng vé năm đó, và trở thành cái kết đầy cay đắng khép lại một thương hiệu điện ảnh từng một thời làm mưa làm gió phòng vé.
Kết luận
Nhìn chung, kể cả khi nhìn nhận nó trên góc độ một bộ phim riêng lẻ thay vì là hồi kết của chuỗi phim về các Dị nhân, X-Men: Dark Phoenix vẫn là một bộ phim đã làm lãng phí đi rất nhiều tiềm năng vốn có của nó, và đã trở thành một lời chia tay đầy vội vã nhưng cũng thật đáng tiếc dành cho các X-Men với các khán giả trước khi cùng với người anh em Fantastic Four trở về với nhà Chuột và Marvel.
Mong rằng trong một ngày không xa, rồi ta sẽ lại được thấy các Dị nhân trở lại một cách mạnh mẽ hơn bao giờ hết trong MCU, đặc biệt là sau nhiều tin đồn đáng tin cậy về sự xuất hiện của Giáo sư X cùng các X-Men trong phần phim sắp tới của Dr. Strange: Dr. Strange in the Multiverse of Madness.