Có thể bạn không biết, phim Hàn Quốc đã từng là những phim truyền hình “dài lê thê” đến 50-80 hay thậm chí là cả trăm tập. Nhưng hiện nay phần lớn phim Hàn Quốc đều đi theo “quy luật” 16 tập phim như hiện nay. Đâu là lí do dẫn đến sự thay đổi to lớn này? Hãy cùng BlogAnChoi đi tìm lời giải đáp nhé!
Đã là một mọt phim K-drama thứ thiệt, thì hẳn là bạn cũng để ý đa số các bộ phim Hàn ngày nay đều theo một công thức quen thuộc: 16 tập phim, mỗi tập gần 1 tiếng, một tuần đều đặn 2 tập phải không? Thế nhưng liệu bạn có bao giờ thắc mắc rằng tại sao mô típ sản xuất phim như bây giờ lại trở nên phổ biến với các nhà làm phim chưa? Cùng BlogAnChoi đi tìm hiểu nha!
Sự thay đổi của các bộ phim Hàn Quốc
Trước đây, các phim truyền hình Hàn Quốc luôn có độ dài trung bình cho một bộ phim dài từ 50 đến 70 tập, thậm chí là 100 tập. Những bộ phim này thường được xem là đặc sản của những bà nội trợ vì nội dung phim dài, nhiều tình tiết và không phải ai cũng dành nhiều thời gian để xem được.
Thế nhưng, khi theo dõi các bộ phim truyền hình Hàn Quốc ngày nay thì ta thấy đa số các phim chỉ còn khoảng 16 – 20 tập, có những phim thậm chí còn ít hơn chỉ từ 12 – 14 tập. Nhiều bộ phim như Vincenzo, Our Beloved Summer, Hospital Playlist, Hometown Cha Cha Cha,… đều theo công thức này.
Theo SCMP News, ngành công nghiệp phim truyền hình của Hàn Quốc đã có nhiều sự thay đổi chóng mặt những năm qua. Để đảm bảo cho chất lượng phim cũng như lượng người theo dõi ở mức tối đa thì các nhà sản xuất phim đã dần chọn lọc và rút ngắn thời lượng các tập phim. Những bộ phim dài lê thê, nhiều nhân vật với hàng trăm plot-twist giờ đây chỉ còn trong quá khứ.
Motif làm phim tuy lạ mà quen
Thời gian gần đây, truyền hình Hàn Quốc dần đi theo phong cách sản xuất của phim Mỹ. Người hâm mộ K-drama cho rằng 16 tập phim được chia ra mỗi tuần phát sóng hai tập, chiếu trong vòng 2 – 3 tháng là khoảng thời gian vừa đủ. Điều này giúp người theo dõi phim dễ hơn, không sợ bị bỏ quá xa dẫn đến hiện tượng chán nản mỗi khi không kịp theo dõi hàng chục tình tiết mới.
Giờ đây, phim truyền hình Hàn Quốc ngày càng có xu hướng cô đọng lại nội dung hơn, giảm bớt các tình tiết “lật lọng” hoặc có cách giải quyết các tư thù cá nhân ngắn gọn hơn đển giảm tối đa chi tiết thừa. Khán giả theo dõi sẽ không còn phải thường xuyên “đau tim” vì những pha “quay xe” hoặc mệt mỏi khi phải thường xuyên chứng kiến hết drama này tới drama khác nữa.
Việc phát 2 tập phim/tuần theo như đánh giá là phù hợp với khán giả khi các tập phim không quá dồn dập. Theo SCMP News, việc để bộ phim có thời lượng tương đối ngắn lên sóng truyền hình là cách làm an toàn. Ngoài ra lịch chiếu khoảng 2 tập một tuần cũng là khoảng thời gian hợp lí để người xem có thể tập trung hơn vào các chi tiết của bộ phim, có thể cùng thảo luận về tình tiết phim với những người khác. Thông qua đó, nhà sản xuất sẽ nghĩ đến việc có hay không sản xuất phần tiếp theo.
Penthouse là một ví dụ điển hình khi đã thành công trong việc học theo cách làm phim của phương Tây và phát sóng được 3 mùa liên tiếp. Nhờ đó, nội dung của phim sẽ phải thường xuyên đẩy lên cao trào ở mỗi tập để thu hút thêm lượng khán giả, biên kịch của phim cũng sẽ phải suy nghĩ rằng những chi tiết nào là thực sự cần thiết để gói gọn lại trong thời lượng hơn 1 tiếng mỗi tập. Việc theo dõi hàng loạt plot-twist cũng khiến cho người xem thêm phần tò mò về tình tiết và có nhiều topic để bàn tán và “đoán” nội dung của tập phim tiếp theo.
Xu hướng sản xuất phim Hàn Quốc dần thay đổi
Một bộ phim giờ đây sẽ mất tầm 6 tháng để quay phim và 2 – 3 tháng để phát sóng, như vậy đối với nhà đài, họ sẽ tốn ít thời gian hơn để bắt đầu dự án mới. Đây là thời gian vừa đủ để nhà đài tiết kiệm được chi phí, mặt khác có thể dễ theo kịp xu hướng hơn. Như vậy nhà đài sẽ có chiến lược cụ thể để sắp xếp việc giới thiệu và chuẩn bị cho những bộ phim sắp phát sóng trong thời gian tới.
Đối với các nhãn hàng quảng cáo, lợi ích đến từ sản xuất phim ngắn tập, các miniseries đó là có thể cập nhật xu hướng rất nhanh. Có những bộ phim chỉ 16 tập phim nhưng các diễn viên có thể đổi điện thoại đến 3 lần. Các dòng điện thoại, sản phẩm mới tung ra thị trường cũng được lồng ghép vào các tập phim một cách nhanh chóng hơn, việc này giúp cho các hãng sản phẩm sẵn sàng chi tiền đầu tư nhiều hơn cho các bộ phim để sản phẩm của mình tung ra thị trường cùng lúc với thời điểm phim được phát sóng.
Theo SCMP News, những năm trở về trước, sự khác biệt lớn giữa phim truyền hình Hàn Quốc và các phim nước ngoài còn nằm ở các mùa phát sóng. Các bộ phim K-drama từ trước tới nay ít có khái niệm về “mùa thứ hai”, mà thường chỉ gói gọn hết tất cả các chi tiết phim chỉ trong 1 thời điểm phát sóng duy nhất. Các khán giả dù rất muốn được theo dõi thêm nội dung phìm nhưng cũng đành “ngậm ngùi” vì rất khó để nhà đài sản xuất tiếp.
Theo thời gian, xu hướng sản xuất mùa thứ hai của phim truyền hình Hàn Quốc ngày càng trở nên phổ biển hơn với các nhà làm phim. Penthouse là một cái tên nổi bật của phim truyền hình Hàn Quốc thời gian gần đây với 3 phần phim xuyên suốt hơn 1 năm trời. Tuy nhiên, Penthouse các phần 2 và 3 lại không được Knet và khán giả quốc tế đánh giá cao, vì việc cố gắng “nhồi nhét” nội dung của phim đã dẫn đến mạch phim quá dài dòng, thiếu logic và khiến người theo dõi mất kiên nhẫn. Khán giả dần trở nên mệt mỏi khi phải liên tục chứng kiến những màn “lật như bánh tráng” của biên kịch, khiến cho phim có cảm giác càng chiếu càng phi logic và “vô lí đến nực cười”.
Sự xuất hiện của các nền tảng chiếu phim đình đám
Việc tham gia của các nền tảng chiếu phim toàn cầu như Netflix hay Disney+ trong thời gian gần đây làm thay đổi đáng kể cách làm phim truyền thống của Hàn Quốc. Trước đây, có thể các tập phim sẽ kéo dài tới gần 2 tiếng đồng hồ liên tục, thế nhưng cùng với nội dung ngày càng cô đọng, thì thời lượng của các tập phim cũng rút lại đáng kể để khán giả tiện theo dõi hơn. Thời lượng trung bình của các bộ phim Hàn giờ đây chỉ còn khoảng trên dưới 1 tiếng đồng hồ, cá biệt có những tập phim chỉ hơn nửa tiếng, tiêu biểu là tập cuối của bộ phim Kingdom mùa 2 được sản xuất bởi “ông trùm” Netflix với độ dài chỉ gần 40 phút.
Sức hút đến từ các bộ phim do Netflix sản xuất có thể lí giải một phần do có chi phí sản xuất cao hơn, được đầu tư tốt hơn về mặt hình ảnh cũng như âm thanh, biên kịch và đạo diễn có thể lựa chọn những diễn viên hay kịch bản chất lượng hơn,… Những phim do Netflix sản xuất cũng có nội dung đa dạng, độc đáo hơn; phù hợp hơn với thị hiếu công chúng toàn cầu.
SCMP News lí giải rằng, điều này là do nhiều đạo diễn phim truyền hình của nền tàng chiếu phim đều là những nhà làm phim điện ảnh đã quen với lối sản xuất phim màn ảnh rộng. Điều này có điểm cộng là mạch phim sẽ không bị dài lê thế, nội dung sẽ mang tính logic cao hơn.
Thế nhưng, khi các nhà làm phim phải tự ép mình vào khuôn khổ 16 tập đôi lúc khiến người xem cảm giác lòng vòng. Ngoài ra một số bộ phim vì lo sợ bị lố tập mà tạo một cái kết không thể nào “dễ hiểu” hơn; hoặc có những phim tuy có mở đầu rất cuốn hút, hoành tráng nhưng càng về cuối thì nhịp phim bị đẩy quá nhanh dẫn đến việc bị “đầu voi đuôi chuột” khiến người xem chán nản.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm một số bài viết khác có cùng chủ đề trên BlogAnChoi:
- Series phim Hàn Quốc 4 mùa: Đánh thức những rung động ngọt ngào
- Top 25 phim Hàn Quốc hay trên Netflix 2022 cho bạn tha hồ cày
- 6 phim Hàn Quốc chuyển thể từ webtoon được kỳ vọng nhất 2022
Hi vọng là qua bài viết vừa rồi, BlogAnChoi đã giúp bạn hiểu thêm về xu hướng sản xuất của ngành công nghiệp phim ảnh Hàn Quốc. Hãy theo dõi BlogAnChoi để được cập nhật những xu hướng mới nhất cũng như các tin tức giải trí hot nhất nha!