Antebellum (Bẫy Thực Tại Kinh Hoàng) đến từ nhà sản xuất danh tiếng của loạt phim nổi tiếng về phân biệt chủng tộc gồm Get Out, Us hay BlacKkKlansman. Phim “nhào nặn” bởi đồng đạo diễn, biên kịch Gerard Bush và Christopher Renz hứa hẹn sẽ khiến người xem trải nghiệm ác mộng kinh hoàng của hiện thực tàn ác.
Antebellum (Bẫy Thực Tại Kinh Hoàng) không quá khó hiểu hay vặn vẹo trí não người xem như những tác phẩm tiền bối trước, nhưng bạn đã giải mã trọn vẹn các biểu tượng xuất hiện trong phim chưa? Cùng BlogAnChoi tìm hiểu nhé!
của Antebellum
- Rotten Tomatoes: 3,6/10
- IMDb: 6,4/10
- Metacritic: 54/100
- Đạo diễn: Gerard Bush và Christopher Renz
- Diễn viên: Janelle Monáe, Tongayi Chirisa, Jack Huston, Jena Malone, Arabella Landrum, Kiersey Clemons, London Boyce…
- Thể loại: Kinh dị, Giật gân.
- Độ tuổi: 16+
- Thời lượng: 1 giờ 45 phút
- Ngày chiếu: 04/09/2020 (Việt Nam)
Nội dung phim Antebellum (Bẫy Thực Tại Kinh Hoàng)
Veronica – một nữ nhà văn người Mỹ gốc Phi kiêm nhà hoạt động xã hội, đấu tranh vì quyền lợi bình đằng không may bị thế lực bí ẩn kéo về thời quá khứ Antebellum. Tại đây, cô trở thành nô lệ Eden ban ngày lao động cật lực, ban đêm thành thú vui tiêu khiển của chủ nô da trắng.
Phim tái hiện số phận bi đát cùng cực của lớp người da đen và cuộc hành trình gian khổ phải đổi bằng nước mắt, máu và tính mạng để trở lại bến bờ hạnh phúc và tự do.
Với dàn diễn viên diễn xuất tròn vai, khung hình đẹp, âm thanh nhạc nền ấn tượng cùng plot twist khó đoán, phim trở thành lựa chọn thích hợp cho các tín đồ mê điện ảnh. Tuy không thể quá xuất sắc như những phim cùng đề tài và năng lực đạo diễn của Gerard Bush và Christopher Renz chưa thật sự nổi bật nhưng phim vẫn đưa ra một nỗi trăn trở mang tính thời đại rằng kỳ thị sắc tộc vẫn còn hiện diện và chưa thẻ xóa bỏ hoàn toàn.
Giải nghĩa tựa phim Antebellum
Khi đi xem phim, có lẽ điều bạn thắc mắc nhất chính là cái tên Antebellum. Nếu như Get Out hay Us đều mang tính ẩn dụ nhưng vẫn có thể (lờ mờ) hiểu được, thì Antebellum đến cả phát âm cũng khá khó khăn. Và ý nghĩa của tựa phim này cũng cần vận dụng kiến thức lịch sử sâu sắc đấy.
Trước tiên, cùng tìm hiểu về thời kỳ nội chiến Hoa Kỳ (1861 – 1865). Khi Abraham Lincoln đắc cử tổng thống vào năm 1860, ông đã ngay lập tức có mong muốn xóa bỏ chế độ nô lệ. Vì lợi ích cá nhân và niềm sĩ diện thượng đẳng, 11 tiểu bang theo chế độ nô lệ ở miền Nam đã tuyên bố ly khai khỏi Hợp chủng quốc Hoa Kỳ và lập ra Liên minh miền Nam.
Phải mất 4 năm chiến tranh, Lincoln mới có thể khiến cho phe miền Nam đầu hàng và đọc bản Tuyên ngôn Giải phóng Nô lệ, toàn Hoa Kỳ không còn cảnh áp bức bóc lột nô lệ, họ có thể sống đàng hoàng như bao công dân khác.
Còn tựa phim chính là tên gọi của kỷ nguyên Antebellum diễn ra trước thời kỳ nội chiến. Đây là thời điểm chế độ nô lệ đang hiện hữu một cách hà khắc nhất. Nữ chính Veronica bị kéo về mốc thời gian này, sống cuộc đời như một nô lệ thực thụ, luôn chịu đòn roi, tủi nhục và khó lòng thay đổi số phận.
Nếu để ý kỹ trên poster, tựa phim Antebellum có chữ “e” quay ngược so với các chữ cái khác. Ám chỉ xuất hiện nhân vật đang ngược dòng thời gian. Hình ảnh cách điệu của chữ “e” in hoa dễ liên tưởng tới mũi đinh ba – một loại vũ khí sắc nhọn chỉ cần trông thấy đã ngửi thấy mùi bạo lực. Trong quá trình làm nông ở các đồn điền cũng xuất hiện dụng cụ y hệt với hình dáng này.
Hình ảnh cánh bướm trong Antebellum
Hình tượng cánh bướm từ cổ xưa đã hàm ý chỉ sự luân hồi giữa sự sống và cái chết. Cánh bướm rớm máu trong poster càng minh chứng rằng dù nhân vật sống hay chết cũng phải trải qua cuôc đấu tranh đẫm máu.
Cánh bướm trong tâm lý học còn hàm ý chữa lành, như trường hợp trong phim Hàn Quốc It’s Okay to Not Be Okay. Có thể những tổn thương của ông cha từ thời quá khứ bằng cách nào đó ở thời điểm hiện tại đang được chữa lành. Như cách nhân vật chính Veronica nỗ lực mang tiếng nói bình quyền đẩy lùi phân biệt chủng tộc với tư cách là nhà văn, diễn giả có sức ảnh hưởng ở thế giới hiện đại.
Và không thể bỏ qua hiệu ứng cánh bướm với luận đề then chốt: “Một con bướm có thể vỗ cánh trên một bông hoa Trung Quốc và gây ra một cơn bão ở biển Caribbean”. Mọi vấn đề đều có khả năng liên kết với nhau theo chiều hướng nguyên nhân – kết quả tác động qua lại.
Nếu chủ đồn điền áp bức nô lệ, đến một lúc nào đó họ sẽ bùng nổ đấu tranh. Thông điệp hiệu ứng cánh bướm này kết hợp với hiệu ứng vòng lặp phía dưới càng nhấn mạnh dụng ý của nhà làm phim.
Bạn còn nhớ bộ trang phục nữ chính Veronica mặc đầu tiên không? Váy áo sặc sỡ tông đỏ – vàng với mái tóc đen xù và dày cộp tết cao rẽ hai bên, trông cô không khác gì hiện thân của một cánh bướm hiện hữu với đầy đủ những ý nghĩa trên.
Hình tượng thỏi son môi
Trong lần trò chuyện đầu tiên của nữ phản diện với nhân vật chính qua màn hình máy tính, cô ta đã khen màu son của Veronica. Son là vật dụng trang điểm quan trọng của phụ nữ. Khi đưa ra lời tán dương trong một tình huống mỉa mai nghĩa là người kia đang ghen tỵ với bạn. Veronica cảm thấy ghê sợ lời khen giả tạo đó nên ngay sau khi tắt màn hình máy tính, cô đã cố lau sạch son môi của mình.
Trước khi bắt cóc Veronica trên chiếc xe taxi quái ác, nữ phản diện đã lén vào phòng và lấy trộm thỏi son đó. Khi lên xe, cô ta quệt son lên môi trước mặt nữ chính. Đây không còn là sự đố kỵ thông thường, cô ta đang ám chỉ sẽ chiếm đoạt mọi thứ Veronica đang có, gồm cả địa vị xã hội, danh tiếng và sự tự do.
Hiệu ứng vòng lặp
Phim phân chia rõ ràng hai tuyến nhân vật da trắng thượng đẳng và da đen nô lệ. Nhà làm phim đưa ra hàng chuỗi hành động giống nhau, ở mỗi mốc thời điểm khác nhau, hai tuyến nhân vật này lặp lại hành động đó với dụng ý riêng. Đó chính là hiệu ứng vòng lặp, hay nói đơn giản hơn, ông làm gì cho tôi thì tôi sẽ làm lại y hệt thế cho ông.
Vào thời kỳ kinh hoàng Antebellum, nô lệ tuân thủ nghiêm luật lệ “im lặng”, không được phát ra âm thanh khi chưa được phép. Tên chủ đồn điền ác độc luôn lấy cớ nghe thấy tiếng động để trừng phạt đòn roi lên tấm lưng nhỏ bé của nô lệ. Nhưng đến phân đoạn lò thiêu, bạn sẽ thấy Veronica (lúc đó là nô lệ Eden) dùng chính ám hiệu suỵt im lặng chế giễu lại chủ nô, trước khi đóng sập cánh cửa và thiêu rụi những tên cường quyền ác bá.
Chắc bạn vẫn còn ám ảnh trước phân đoạn chủ nô da trắng dã man quăng dây thòng lọng vào cổ một phụ nữ nô lệ đang ra sức chạy trốn như quăng bẫy con thú trong cuộc đi săn? Hắn ta đã kéo lê xác nô lệ phía sau yên ngựa.
Trong phân đoạn chạy trốn, Veronica cũng lặp lại hành động y hệt với lão chủ nô. Cô khoác thêm tấm áo thường phục hắn vẫn mặc, như ám chỉ nô lệ đã khoác tấm áo tự chủ và có địa vị ngang hàng với bọn bóc lột.
Hoặc như bữa tối kinh hoàng khi những tên lính miền Nam lựa chọn cô nô lệ da đen để mua vui trong đêm? Đây không đơn thuần chỉ là chuyện lạm dụng tình dục của chủ nô lên nô lệ, mà còn thể hiện sự bất bình đẳng giới khi tiếng nói người phụ nữ bị xem nhẹ.
Tua nhanh đến thời điểm hiện đại, nhóm bạn của Veronica hành xử hoàn toàn ngược lại. Cô nàng có thể tự do góp ý cách ứng xử của giới đàn ông và anh ta chỉ có cách “ngoan ngoãn” nghe lời. Trên chiếc xe taxi, cô nàng bình phẩm và như muốn “ngả giá” với chàng trai. Ai còn dám khẳng định phụ nữ không có tiếng nói trong thời hiện đại?
Chi tiết spoil phim, hé lộ plot twist
Nếu phim chỉ đơn giản là việc nô lệ da đen bị đàn áp và vùng dậy đấu tranh không thôi thì Antebellum có lẽ sẽ chỉ là một bộ phim nhân văn quen thuộc mà chúng ta đã xem rất nhiều. Nhưng phim đã tạo ra một có twist đáng sợ khiến khán giả phải sửng sốt, và thậm chí cảm thấy sợ hãi, ghê tởm hơn cả những sự hành hạ mà Veronica phải chịu đựng.
Sự thật là Veronica không hề xuyên không, cô vẫn sống ở thế giới thực tại, sống ở thời đại bình đẳng giới đang được nêu cao, ở thời đại mà “nô lệ” chỉ còn là từ xuất hiện trong từ điển. Và nếu đủ tinh ý, bạn sẽ phát hiện ra trong không gian đồn điền khốc liệt xuất hiện một vài chi tiết gợi ý cho cú twist “hiện thực kinh hoàng” này.
Tông màu phim chủ yếu là cảnh hoàng hôn nhá nhem hoặc tối đêm như miêu tả một không gian không lối thoát đang vây hãm người nô lệ. Nhưng khi mặt trời ló rạng ban ngày, tông màu trở nên sáng trong với bầu trời xanh ngắt, cánh đồng bông trắng bóc.
Những bộ phim có bối cảnh thời kỳ nô lệ như 12 Years a Slave, Django Unchained… thường sử dụng tông màu hoài cổ chủ đạo, không hề có sự “lệch pha” rõ rệt trong màu sắc như phim Antebellum. Thực chất, đây cũng là dụng ý của nhà làm phim vì sắc màu tươi tắn này chỉ tồn tại ở thế giới thực và không hề có cuộc “xuyên không” nào.
Hình ảnh người phụ nữ da đen với khuôn mặt đẫm lệ kinh hãi giữa cảnh đồng bông trở thành “thương hiệu” cho phim như với Get Out là chàng trai la hét bám chặt vào ghế, Us là bàn tay đeo găng cầm kéo. Chuyển động máy quay ở phân đoạn này rất linh hoạt, khi máy zoom chi tiết bầu trời xanh không một gợn mây trắng, zoom càng kỹ ta thấy có chiếc máy bay nhỏ đang sải cánh.
Chiếc máy bay hiện đại này như một hy vọng nhỏ nhoi của nữ chính, sẽ có ngày cô thoát khỏi chốn giam cầm. Máy bay cũng xuất hiện trong bức vẽ của con gái Veronica, như một điềm lành báo hiệu ngày cô được giải thoát.
Điện thoại di động là điểm mấu chốt của phim giúp nhân vật chính liên lạc với thế giới bên ngoài và phải trải qua bao nhiêu giằng co với phe phản diện mới có thể nắm chắc điện thoại trong tay. Trước đó, khi tiếng điện thoại rung, những tên lính gác đã thì thầm hỏi nhau: “Điện thoại của mày rung đấy à?/Không phải, tôi tuân thủ đúng quy định không sử dụng điện thoại ở đây cơ mà”.
Khán giả tinh ý sẽ thắc mắc ngay sao giữa thời Antebellum lại tồn tại điện thoại di động đầy đủ chức năng để đưa ra luật cấm sử dụng? Vậy thực chất, Antebellum là gì? Có thực sự giống như những gì chúng ta biết từ đầu phim không?
Dù đã bị spoil plot twist của phim, nhưng Antebellum vẫn là một bộ phim đầy tính biểu tượng, ám ảnh và đáng xem nhất mùa phim tháng 9 này. Đừng bỏ lỡ cơ hội mà hãy book vé ra rạp xem ngay Antebellum bạn nhé!
Trailer của phim Antebellum:
Một số bộ phim hay khác có thể bạn muốn xem: