Mở đầu series này sẽ là một bộ phim kinh điển của Hong Kong: Vô Gián Đạo. Dù mang bối cảnh xã hội đen, nhưng nó ẩn chứa những nét triết lý và tình huống tâm lý sâu sắc.
Tên phim và nhân vật
Ngay cả tên phim cũng đã mang nhiều ẩn ý. Phần đông mọi người hiện nay thường gọi là “Vô Gian Đạo” vì thuận miệng và phổ thông hơn. Tuy nhiên, sau khi đọc bài “Loanh quanh trong không gian của Vô gián đạo/Infernal Affairs (2002-2003)” trên blog của Lynn’s , cá nhân tôi thấy gọi “Vô Gián Đạo” thì hợp lý hơn rất nhiều.
Thông thường thì tôi hiếm khi sa đà vào chuyện tên phim, vì dù gì nó cũng chẳng quan trọng lắm. Tôi vẫn quan tâm đến nội dung là chính yếu. Tuy nhiên, khi cái tên biểu thị hàm ý ẩn dụ của bộ phim, thì đem ra xem xét cũng là một việc đáng làm.
Ngay trong đoạn mở đầu, đạo diễn đã trích dẫn câu nói: “Kinh khủng hơn chín tầng địa ngục vô biên, liên tục là đau khổ bất tận kéo dài”. Từ “bất tận” vốn lại sát nghĩa với từ “vô gián”. Ngoài ra, theo từ điển Phật học thì có một khái niệm gọi là “Vô gián địa ngục” hay “A Tỳ địa ngục”, chỉ tầng địa ngục khổ đau nhất, nơi mà kẻ có tội bị hành hạ liên tục không ngừng nghỉ. Chữ “A Tỳ” kia còn tương đương với chữ “Avici”. Đây chính là cảm hứng để Tim Bergling lựa chọn nghệ danh “Avicii”.
Vậy cái sự “vô gián” này thì liên quan gì đến phim?
Hai nhân vật chính của Vô gián đạo là Trần Vĩnh Nhân và Lưu Kiến Minh. Trần là đặc vụ chìm được gài vào tổ chức xã hội đen làm tay trong cho phe cảnh sát. Lưu, ngược lại, là đàn em của ông trùm tội phạm, len lỏi vào hàng ngũ điều tra. Cả hai đều là gián điệp, kẻ sáng thì nằm trong bóng tối, kẻ tối lại đứng ngoài ánh sáng.
Cuộc đời của cả hai tưởng như là những khổ sở chẳng bao giờ ngưng. Trần Vĩnh Nhân sau một thời gian làm cớm chìm thì chán nản vì cứ phải trốn chạy. Anh trở nên cộc cằn, khi giận dữ thì giở thói đánh người, y như những tên tội phạm. Anh bực bội vì mỏi mòn chờ đợi ngày được trở về với danh tánh một sĩ quan bình thường, nhưng 3 năm rồi thêm 3 năm rồi lại 3 năm, ngót nghét gần 10 năm anh vẫn phải sống dưới cái vỏ bọc tội phạm. Bản chất anh không phải tội phạm, nhưng hành động của anh thì đúng là côn đồ. Nhân không biết đến chừng nào mới có thể đường đường chính chính bước ra ánh sáng, kết thúc cái quãng đời tăm tối vô tận kia.
Số phận của Lưu Kiến Minh cũng chẳng lấy gì làm đẹp đẽ. Thực lòng mà nói, nó còn sầu não hơn cả Trần Vĩnh Nhân. Minh bề ngoài là kẻ đẹp trai cao ráo, quần áo chỉnh tề, là cảnh sát được trọng vọng, liên tục thăng chức. Nhưng trong lòng anh ta luôn khổ sở vì bản chất xấu xa của mình. Dù có được tưởng thưởng, được tán dương, thì sâu thẳm hắn vẫn là tội phạm. Như Filippo Inzaghi đứng giữa vạch việt vị, Lưu Kiến Minh đứng giữa lằn ranh tốt xấu. Kẻ ngoài nhìn vào, chẳng ai biết hắn ta thiện hay ác. Chỉ có bản thân hắn mới rõ mà thôi. Chính vì biết mình xấu, hắn lại muốn đổi đen thành trắng, muốn tẩy đi quá khứ nhơ nhuốc để sang trang mới. Đau khổ thay, càng muốn thay đổi, hắn lại càng sa vào tội ác, tâm trí càng lúc càng căng thẳng, hoảng loạn. Lưu Kiến Minh, đứng giữa cuộc đấu đá tội phạm – cảnh sát xứ Hong Kong, chính là ở vào cái tầng địa ngục khổ não kéo dài bất tận. Họ Lưu, dù không phải là kẻ duy nhất, nhưng chính là kẻ mang màu sắc “Vô gián đạo” nhiều nhất.
Một cái hay của Infernal Affairs là nó đem hai kẻ Trần – Lưu vốn đã “đối xứng” trong hoàn cảnh, bước vào những cuộc tình cũng “đối xứng” chẳng kém. Lưu và vợ tình nồng thắm thiết, chuẩn bị cưới, lại còn mua nhà mới. Tưởng đâu cuộc sống thế là hạnh phúc, nhưng kì thực đến kẻ đầu ấp tay gối với Lưu cũng chẳng ngờ nổi con người thật của hắn ta. Vợ của Lưu thậm chí còn vô tình viết một cuốn tiểu thuyết, mà nhân vật chính chẳng khác là bao so với Lưu: một kẻ có 28 nhân cách, từ lúc thức dậy đã phải vào vai. Nhưng trong quá trình sáng tác, cô tác giả lại “vô gián”, không biết kết thúc câu chuyện của mình ra sao vì cô chẳng rõ nhân vật của mình là tốt hay xấu.
Trần, một cách lãng mạn, đã phải lòng cô bác sĩ tâm lý của mình. May mắn thay, cô ấy cũng thích anh. Cơ duyên đưa Trần đến với cô cũng vì Trần không chịu nổi cái đau khổ của phận cớm chìm. Nhờ chiếc ghế trong phòng cô mà Trần được ngủ ngon lành, điều anh chẳng có được ở bất cứ nơi nào khác. Cũng chính cô là người hiếm hoi trên thế gian này được Trần thổ lộ thân phận cảnh sát. Một cuộc gặp gỡ ngọt ngào và đẹp đẽ hơn gấp vạn lần so với những thứ đồ đạc hào nhoáng mà Lưu mua cho vợ mình.
Diễn xuất
Với khía cạnh cốt truyện và hoàn cảnh đầy tính triết lý như thế, Infernal Affairs cần một dàn diễn viên đủ tốt để khắc họa phần còn lại: tâm lý. May thay là Hong Kong có Lương Triều Vỹ. Dù xét ra thì nhân vật Trần Vĩnh Nhân còn chưa “chính” bằng nhân vật Lưu Kiến Minh, nhưng Lương Triều Vỹ thì vẫn xuất sắc hơn một chút so với Lưu Đức Hoa.
Có 2 phân đoạn của họ Lương mà hẳn ai xem cũng sẽ thích.
Thứ nhất là khi Trần Vĩnh Nhân ngoái đầu lại nhìn xác sếp Hồng nằm trên chiếc xe taxi mà Nhân vừa bước khỏi. Người ta thường khen ngợi các diễn viên diễn với đôi mắt của họ, và Lương Triều Vỹ là một người như thế. Một ánh mắt đau xót, không chỉ bàng hoàng cho cái chết của người cộng sự hàng chục năm, mà còn là sự thống khổ cho chính mình. Kẻ duy nhất đủ sức giúp Nhân khôi phục danh tính, bước ra ánh sáng, giờ đã lìa trần. Ngay cái lúc ấy, hẳn Nhân đã nghĩ mình sẽ mãi mãi là kẻ tội phạm, mãi mãi chịu tiếng xấu. Ánh mắt của Triều Vỹ tả hết những thứ ấy. Nhiều người có lẽ nghĩ rằng trong trường hợp này, cứ diễn một cách bình lặng, mắt nhìn ra cửa sổ là được. Nhưng như câu trả lời “Tôi không biết định nghĩa nó là gì, tuy nhiên tôi sẽ biết nó khi thấy nó”, khán giả sẽ biết thế nào là một ánh mắt sâu thẳm khi thấy Lương Triều Vỹ diễn cảnh này. Thậm chí, sau đó, đạo diễn còn xếp một cảnh dài mà chỉ tập trung vào đôi mắt của Lương Triều Vỹ.
Thứ nhì, là cảnh đối chất trên sân thượng giữa Trần và Lưu. Đó không phải là lần đầu họ “gặp nhau”. Họ đã từng ở chung trong Học viện cảnh sát, đã từng đối đầu nhau khi làm gián điệp, đã từng cùng thả hồn vào lời hát bay bổng của cô ca sĩ trong chiếc loa nghìn đô (thứ sau này xuất hiện ở cuối phim một cách vô cùng hợp lý, khiến phim càng trở nên liên kết như chính mạng lưới dày đặc những tên cớm chìm, tội phạm chìm). Cuộc đời đối xứng của họ đã va chạm nhau quá nhiều. Thiện và ác lẫn lộn trong lằn ranh xám xịt của mafia. Nhưng đây là lần chạm mặt mà cả hai đều biết về thân phận của nhau, khi kẻ thiện thực sự đang đối đầu với kẻ ác.
Tôi rất thích ý nghĩa triết học ở cảnh này. Dưới ánh sáng mặt trời, vốn là thứ soi chiếu rõ nhất, chẳng ai biết được đâu là kẻ thiện, đâu là kẻ ác. Một cách mô tả triết học đậm chất Trung Hoa, cho một bộ phim tâm lý cũng đậm chất Trung Hoa.
“Vô Gián Đạo” kết thúc thật chua xót khi Nhân tử nạn dù đã đến rất gần với lằn ranh trong sạch mà anh hằn mong ước. Nhưng đó là một cái kết thật hay. Cái chết đầy cay đắng và đau đớn ấy, có bao nhiêu người trong chúng ta thoát được…