Người Vợ Cuối Cùng của Victor Vũ đã nhận về nhiều ý kiến trái chiều. Vậy nếu là một khán giả bình thường đang chọn phim chiếu rạp để xem, bạn có nên chọn Người Vợ Cuối Cùng không, cùng tìm hiểu qua bài review dưới đây nhé.
Thông tin phim Người Vợ Cuối Cùng
- Thể loại: Phim cổ trang, Tâm Lý, Tình cảm
- Đạo diễn: Victor Vũ
- Diễn viên: Kaity Nguyễn – Thuận Nguyễn – NSƯT Quang Thắng – NSƯT Kim Oanh – Đinh Ngọc Diệp – Anh Dũng – Quốc Huy – Bé Lưu Ly
- Khởi chiếu: 03/11/2023
- Thời lượng: 132 phút
- Ngôn ngữ: Tiếng Việt – Phụ đề Tiếng Anh
- Rated: T18
phim Người Vợ Cuối Cùng
Lấy cảm hứng từ tiểu thuyết Hồ Oán Hận của tác giả Hồng Thái, Người Vợ Cuối Cùng lấy bối cảnh vào thế kỷ 19 tại làng quê Bắc Bộ, kể câu chuyện về Linh do Kaity Nguyễn thủ vai. Vốn xuất thân bần hàn khiến cô đã bị ép gả cho một quan chi huyện làm thiếp thứ 3. Mang trọng trách lớn lao phải sinh quý tử nối dõi cho quan, cùng với đó là lề thói lễ nghi và sự phân chia cấp bậc, sự chèn ép của bà cả khiến Linh như sống trong địa ngục trần gian. Ngỡ chữ hạnh phúc đã không còn tồn tại trong cuộc đời này thì bỗng dưng Nhân – thanh mai trúc mã ngày xưa của Linh bất ngờ quay trở lại làng.
Dĩ nhiên tình cũ không rủ cũng tới, hai người bắt đầu qua lại và còn lên kế hoạch bỏ trốn để được sống hạnh phúc với nhau. Tuy nhiên giấy không gói được lửa, mối quan hệ ngoài luồn này sớm đã dẫn đến những biến cố khác xảy ra khiến cho cuộc sống của các nhân vật chính cũng từ đó mà rối ren, chất chứa hận thù và đau khổ. Liệu đôi tình nhân Linh và Nhân có thực sự tìm lại được bình yên và hạnh phúc cho nhau? Liệu tình yêu thực sự giữa anh chàng nhà quê và thê thiếp nhà quan có thắng nổi thực tại tàn khốc không?
Trailer phim Người Vợ Cuối Cùng
Người Vợ Cuối Cùng: Phục dựng nước Việt xưa tuyệt đẹp
Người Vợ Cuối Cùng là sản phẩm mới nhất của đạo diễn Victor Vũ trong năm 2023 được giới thiệu với công chúng là một phim cổ trang phục chế lại bối cảnh Việt Nam thời xưa cực kỳ chỉn chu, chính xác. Cũng trong bộ phim này, khán giả có dịp được hưởng ngoạn các cảnh đẹp nhất của vùng núi non Bắc Bộ. Kèm với đó là những nét đẹp văn hóa dân gian Việt Nam như hát Chầu Văn, múa rối nước hay những bài ca dân gian, những tập tục cưới hỏi ma chay ngày xưa đều được phục dựng tỉ mỉ và trau chuốt…
Phim lấy bối cảnh Việt Nam thời phong kiến cuối nhà Nguyễn, khán giả sẽ bắt gặp những hình ảnh như căn nhà ba gian thời xưa, những đứa trẻ chơi các trò chơi cổ truyền, những cách thức làm nông của người Việt và đặc biệt là các cổ phục được phục chế hoàn hảo khiến cho mọi thứ vô cùng rực rỡ. Chắc chắn những người đam mê lịch sử và văn hóa dân gian Việt Nam sẽ rất thích thú với phim. Đây là một nước đi khá liều lĩnh của đoàn làm phim và cũng là một dấu chấm khá lớn trong lòng người xem. Chắc chắn rằng khi bước ra khỏi rạp tất cả các khán giả đều sẽ phải tấm tắc khen những nỗ lực xây dựng bối cảnh của đội ngũ Victor Vũ. Được biết phim có bàn tay của giám đốc mỹ thuật Gia Ci Farm, đã chỉ đạo các diễn viên mặc toàn bộ trang phục cổ truyền với nhiều lớp áo khác nhau để tạo nên khung cảnh thực tế nhất.
Có thể nói Người Vợ Cuối Cùng Của Victor Vũ là một sản phẩm điện ảnh rất hợp thời khi làn sóng yêu nước vì văn hóa dân gian cổ truyền đang được đẩy mạnh trong giới trẻ. Một sản phẩm đậm màu quê hương thế này chắc chắn sẽ khiến nhiều người quan tâm tới và bước vào phòng chiếu để xem
Người Vợ Cuối Cùng: Phim đẹp nhưng nhạt, dễ xem dễ quên
Vì phim dành khá nhiều thời lượng cho việc xây dựng bối cảnh nhân vật, tô điểm cho các thước phim đẹp đẽ chuẩn phong cách Victor Vũ nên đã để nội dung chính bị dàn trải hơi nhiều. Phim đẹp nhưng khá dài vì nhiều đoạn trùng xuống khiến khán giả phải băn khoăn đến khi nào thì diễn biến tiếp theo mới tới.
Với thời lượng hơn 2 tiếng, những khán giả thiếu kiên nhẫn chắc chắn sẽ quên mất đi những thước phim đẹp mà Victor Vũ cố gắng vẽ ra và chỉ thấy buồn ngủ khi chờ mãi chưa thấy phim tiến triển hay có cao trào ấn tượng nào. Đến gần cuối phim, diễn biến mới được để nhanh lên khi có sự xuất hiện của yếu tố trinh thám phá án. Tuy nhiên vì đã đến gần hồi kết nên phần điều tra phá án cũng phải đẩy nhanh cuốn gói để giải quyết các vướng mắc cuối cùng cho đủ thời lượng.
Người Vợ Cuối Cùng là một bức tranh tái hiện chân thật đời sống khắc khoái của người nông dân khi miếng cơm manh áo còn chưa lo xong mà phải gánh thêm bao thứ tô thuế vô lý khác. Bộ phim không sáo điều hô hào những thứ giáo lý suông, mà trong quá trình xem phim thì khán giả sẽ trải nghiệm ra được những bài học nhân sinh đắt giá. Đó là thân phận của người phụ nữ thời phong kiến thấp cổ bé họng, đó là phận làm thê thiếp tủi nhục vạn phần, luôn chịu những cay đắng mắng nhiếc đánh đập. Hay đó là số phận của những người nông dân phận làm con tép thì sẽ bị con cua ăn, dân đen sẽ bị quan trên bắt chẹt…Đó là bản chất của cuộc sống từ xưa tới nay, đâu đâu cũng tồn tại bất công, đâu đâu cũng có những mảnh đời bi kịch…
Tuy nhân văn là thế nhưng chất lượng kịch bản của Người Vợ Cuối Cùng cũng chỉ nằm ở mức nhắm một mắt mở một mắt cho qua. Bộ phim đi vào lối mòn của những motif tình yêu bị cấm đoán, người dân bị cường quyền áp bức muốn vùng lên đấu tranh hoặc bỏ trốn để tìm kiếm hạnh phúc cá nhân…Kịch bản phim là câu chuyện tình yêu Hàn Quốc những năm 2000, chỉ thêm thắt loạt các câu thoại hơi hiện đại và khá sến súa của nam chính, thành ra xem một hồi thấn…buồn ngủ hơn là buồn bã vì sự u ám của phim.
Người Vợ Cuối Cùng: Dàn NSUT “át vía” diễn viên trẻ
Người Vợ Cuối Cùng có sự góp mặt của không ít những tên tuổi lớn như NSUT Quang Thắng trong vai Quan Chi huyệ, nghệ sĩ Kim Oanh trong vai bà vợ cả và nhiều gương mặt khá thân quen như Kaity Nguyễn, Thuật Nguyễn. Tuy nhiên điểm nhấn chính của cả phim lại không phải là nhân vật nam, nữ chính mà lại là bà vợ cả phản diện và quan chi huyện độc đoán.
Nhân vật của Kaity Nguyễn trong Người Vợ Cuối Cùng có những cung bậc cảm xúc khác nhau xuyên suốt cả phim, từ sự ngây ngô ban đầu đến sự đau khổ tuyệt vọng khi làm vợ lẽ, đến khi vui vẻ hạnh phúc vì gặp được tình yêu chân thành, rồi cuối cùng trở nên mạnh mẽ để bảo vệ bản thân. Đây là một hành trình phát triển nhân vật phức tạp và Kaity Nguyễn đã thể hiện được điều đó một cách trọn vẹn với nhiều khoảnh khắc xuất thần, tỏa sáng.
Còn nam chính do Thuận Nguyễn đảm nhận thì lại hơi đơ và quá gồng. Cả bộ phim anh chỉ có vài biểu cảm chia thành vui – buồn – tức giận là hết. Ngay cả tương tác với Kaity Nguyễn cũng bị đánh giá là gượng gạo dù 2 người có rất nhiều cảnh tình cảm thân mật trong phim.
Người vợ cả được thủ vai bởi NS Kim Oanh là một phản diện ấn tượng. Bà cả là một nhân vật cứng rắn mạnh mẽ và quyền lực, luôn có những toan tính hẹp hòi và mưu kế để hành hạ Linh khiến cô đau khổ cùng cực. Kim Oanh đã diễn xuất xuất thần, khiến bà cả trở thành một nhân vật ghim sâu vào lòng khán giả, rất đáng ghét nhưng vẫn phải kính nể khen ngợi.
Vị trí của Quang Thắng là quan chi huyện không xuất hiện nhiều trong phim nhưng luôn là áp lực lớn nhất của tất cả các diễn biến. NSUT Quang Thắng đã ghi dấu ấn sâu sắc trong lòng khán giả với vai nghệ sĩ hài, Táo Kinh tế nhưng khi vào vai quan chi huyện của chế độ phong kiến cầm quyền thì dường như là một người hoàn toàn khác. Sự bệ vệ, ngạo nghễ của một vị quan lớn, ăn trên ngồi chốc, sự độc đoán, đàn áp người dân và cả những người vợ của mình…đã được NSUT Quang Thắng thể hiện cực kỳ ấn tượng.
Kết luận
Bên cạnh những điểm trừ về khâu kịch bản lẫn quá trình xây dựng và phát triển nhân vật thì Người Vợ Cuối Cùng vẫn có những điểm mạnh đáng khen về khâu hình ảnh âm thanh và xây dựng bối cảnh đầu tư chỉn chu về mặt trang phục và thẩm mỹ. Nếu bạn là người yêu thích văn hóa Việt Nam, muốn chiêm ngưỡng những khung cảnh đậm chất cổ xưa của làng quê Việt hay Việt phục cổ truyền và tìm hiểu những phong tục dân gian…thì có thể lựa chọn bộ phim Người Vợ Cuối Cùng. Còn nếu bạn mong muốn một trải nghiệm phim ảnh cuốn hút, hấp dẫn về cả kịch bản, nội dung thì nên xem xét kỹ trước khi đặt vé nhé.