Bộ phim Ký Sinh Trùng (Parasite) sau lễ trao giải Oscar 2020 đã trở thành tâm điểm của mọi sự chú ý. Vì sao Ký Sinh Trùng có thể đạt 4 giải Oscar, trong đó có Phim hay nhất, cùng đón đọc review Ký Sinh Trùng của BlogAnChoi để lý giải sức hấp dẫn của bộ phim hài đen này nhé.
Thông tin chung về bộ phim Ký Sinh Trùng (Parasite)
- Năm sản xuất: 2019
- Số lượng tập: 1 tập
- Thời lượng phim: 132 phút
- Đạo diễn: Bong Joon-ho
- Diễn viên: Song Kang-ho, Lee Sun-kyun, Cho Yeo-jeong, Choi Woo-sik, Park So-dam…
- Thể loại: Phim hài đen, phim tâm lý
- Thời gian khởi chiếu: 21/06/2019 (Ở Việt Nam)
- Độ tuổi phù hợp: PG-15
- Điểm IMDB: 8.6/10
của bộ phim Ký Sinh Trùng (Parasite)
Bộ phim lấy bối cảnh là đất nước Hàn Quốc và thời hiện đại, trong đó kể về một gia đình nghèo gồm bốn người. Ông bố Ki-taek và bà mẹ Choong-sook đang thất nghiệp ở nhà, nhận gấp vỏ hộp bánh pizza để kiếm thêm tiền trang trải sinh hoạt phí hàng ngày.
Con trai cả của họ – Ki-woo lúc này cũng ở nhà nốt, vì cậu ta đã trượt bốn lần thi đại học, tức là bốn năm vô công rồi nghề. Cô em gái Ki-jung đang nghỉ học vì cả gia đình không thể nào đóng nổi học phí đắt đỏ. Bốn người chen chúc chui rúc dưới cái căn hộ tồi tàn của tầng hầm khu nhà cho thuê, thậm chí đến nỗi điện cũng bị cắt, ăn bữa này, lo bữa mai.
Bỗng dưng một ngày đẹp trời, Ki-woo nhận được một “miếng bánh ngọt từ trời rơi xuống”, đó là làm gia sư tiếng Anh cho con gái của một gia đình giàu có. Choáng ngợp trước một thế giới hoàn toàn khác, ham muốn được “chim sẻ hóa phượng hoàng”, Ki-woo đã lên kế hoạch từng bước đưa gia đình mình thâm nhập vào trong ngôi nhà giàu có kia. Họ dần dần có thể “ăn bám” được gia đình ấy, với nhiều vai trò khác nhau, thế nhưng đồng thời đi với sự sung túc ấy, đó chính là những biến cố mà không ai ngờ tới, cuộc sống của gia đình Ki-Woo hoàn toàn bị đảo lộn.
Ký Sinh Trùng (Parasite): Phim châu Á đầu tiên thắng giải Oscar
Nhiều người sẽ tự hỏi, một nội dung thế kia, một lời dẫn dắt không mấy hấp dẫn, chỉ là tâm lý thông thường đời sống, vì sao bộ phim Ký Sinh Trùng (Parasite) lại nhận được nhiều lời khen lẫn giải thưởng đến thế? Tổng thể Ký Sinh trùng đã nhận được 4 giải Oscar tại lễ trao giải năm nay: Bộ phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất, Kịch bản hay nhất và Phim quốc tế hay nhất. Hãy nhìn sâu vào bộ phim, cùng trải nghiệm từng thước phim hay tuyệt vời của đạo diễn Bong Jooh-ho, để thấy được giá trị nhân văn, các bài học ẩn giấu đằng sau đó.
Gia đình Ki-taek
Đây là một gia đình kỳ lạ, họ, bốn người, không ai mất năng lực làm việc, đều có học thức nhất định, dù rằng không cao, nhưng vì sao lại thất nghiệp ở nhà và chịu đựng cuộc sống hèn mọn, thiếu thốn như thế?
Thậm chí họ còn rất nhiều tài lẻ: ông bố lái xe tốt tới mức nghỉ lái xe hẳn một năm nhưng trình độ vẫn có thể giữ cốc cafe trên tay ông chủ ngồi cùng xe không sánh một giọt nào. Bà mẹ có thể học lỏm được món mì mà bà chưa từng làm thử trước đây, chỉ với việc liếc trộm. Hai đứa con dù học thức không hẳn cao, nhưng đều xinh xắn, lớn lên dễ nhìn và thông minh nhanh nhẹn. Cô tiểu thư nhà giàu “crush” anh gia sư Ki-woo và ghen tỵ với em gái anh, Ki-jung là đủ hiểu được ngoại hình của họ ít nhất phải trên mức trung bình đổ lên.
Câu trả lời nằm ở chính họ. Cả gia đình họ luôn chờ đợi một cơ hội, chờ đợi một vận may hay mong muốn một công việc: “nhàn nhã”, “lương cao”, “hấp dẫn”, “được thỏa mái”, “làm ít hưởng nhiều”, … Vâng, và “không làm gì mà vẫn giàu” thì chỉ có thể là lừa đảo.
Những tầng lớp nghĩa sâu cay và hiện thực trần trụi
Có thể nói, Parasite đã đưa đến một góc nhìn hoàn toàn chân thực về sự chênh lệch giàu nghèo trong xã hội Hàn Quốc. Trong cái xã hội ấy, thì trắng chưa chắc đã là màu tinh khiết nhất, còn đen, chưa chắc đã là thứ màu tăm tối nhất. Tư duy con người bị ảnh hưởng bởi đồng tiền, người giàu sống theo lối của họ, còn người nghèo, vẫn hoàn nghèo với cái lối mòn suy nghĩ chẳng thể nào khấm khá lên được.
Giống như đã nói ở trên, gia đình nhân vật chính “nghèo” là nghèo từ trong tư duy, tiêu đề bộ phim đã nói lên tất cả, gói trọn những thông điệp sâu cay nhất. Ký sinh trùng, nghe chừng là một bộ phim nói về khoa học viễn tưởng hơn là một bộ phim về tâm lý tình cảm, nhưng đạo diễn Bong Joon-ho đã khéo léo để cho chúng ta thấy được sự thật trần trụi, lột tả nó chân thực, sắc nét trên màn ảnh nhỏ.
Chim sẻ hóa thành phượng hoàng, câu chuyện huyễn tưởng đang xảy ra với gia đình của Ki-woo, nhưng thực sự có thể như thế không khi mà khoác lên mình bộ cánh hào nhoáng, bên trong bản chất vẫn chỉ là một người nghèo mạt rệp với lối tư duy cũ rích cổ hủ?
Ký sinh trùng?
Bộ phim nhắc đến “ký sinh trùng” là muốn đánh thẳng sâu vào trong tâm lý của người xem. Sau khi dòng chữ “the end” chạy lên, chắc chắn nhiều người đã nhận ra được, ký sinh trùng thực sự là ai.
Gia đình giàu có là “vật chủ”, gia đình quản gia là “ký sinh trùng loại một” -dùng ơn nghĩa và hết lòng cung phụng “vật chủ” để bày tỏ lòng thành cũng như báo đáp “vật chủ” đã ân tình cưu mang họ. Người vợ tận tụy trung thành hết mực, còn người chồng gõ Mooc code mỗi ngày để cảm ơn ông chủ Park
Trong khi đó gia đình Ki lại là loại hai. Loại “ký sinh trùng” này chẳng những ăn bám, hèn mạt, mà còn xấu xa, làm hại “vật chủ” khi chúng bị dồn vào đường cùng.
Điều này cũng giải thích vì sao ông bố Ki-Taek lại đâm ông Park trong cuộc đụng độ ở cuối phim. Rõ ràng tại bữa tiệc đó có nhiều người hơn, nhưng vì sao ông ta lại chọn ông Park? Câu trả lời bởi vì ông Park là nguồn tài chính, nguồn lực giàu mạnh nhất tạo nên gia đình giàu có này. Ông ta mới chính là “vật chủ” lớn nhất và ông bố hoàn toàn hiểu rõ điểm này. Giết ông Park, gia đình giàu có tới mấy, rồi cũng sẽ sụp đổ. Bởi vì ông Park là người duy nhất đi làm, kiếm tiền, nuôi vợ và con, chi trả tất cả sinh hoạt phí hàng ngày cho ngôi nhà.
Thông điệp ẩn chứa đằng sau bộ phim Ký Sinh Trùng (Parasite)
Cậu con trai Ki-woo, cho dù trượt 4 lần đại học, rồi in 1 tấm bằng giả nhưng vẫn tự huyễn hoặc rằng bản thân sẽ trở nên giàu có, đi làm kiếm tiền, rồi chuyển gia đình mình đến một nơi tốt đẹp hơn. Cậu ta nói rất hay, nhưng rồi tất cả những gì Ki-woo làm chỉ là ngồi đó, và mơ về cái tương lai hão huyền ấy.
Lời ông bố viết trong lá thư để lại cho con trai mình, đã là phép ẩn dụ muốn nói lên sự “vô thường” của cuộc sống. Đây cũng là suy nghĩ của ông ta về cái “nghèo” của mình.
“Kế hoạch tốt nhất là không có kế hoạch gì cả, vì kế hoạch không bao giờ theo đúng ý ta. Chẳng thà đừng lên kế hoạch, đừng trông chờ, cứ để mọi việc xảy ra tự nhiên. Khi mọi việc nằm ngoài tầm kiểm soát, cũng chẳng có gì đáng lo ngại” – Ki Taek
Có thể nói rằng, không ai nghĩ mọi thứ sẽ đi xa như vậy, chưa một ai cả, tất cả chỉ vì sự tham lam, đố kỵ, ghét bỏ, ganh đua tầm thường nhảm nhí, cái mùi nghèo khổ toát ra từ trong xương tủy của ký sinh trùng đã khiến cho họ đi đến vào con đường cùng này. Tất cả, là do bọn họ lựa chọn, suy nghĩ, dẫn tới hành động như thế, không thể trách bất kỳ ai, cũng chẳng thể đổ lỗi cho hoàn cảnh.
Hình ảnh ẩn dụ được chú ý nhiều nhất trong câu chuyện mà Ký Sinh Trùng (Parasite) đề cập đến, chính là hòn đá. Nó là món quà mà người bạn tặng cho Ki-woo với hy vọng mang đấy may mắn và tiền bạc. Quả thực, nhờ vận may trời ban mà gia đình họ mới có thể “chim sẻ hóa phượng hoàng”. Đáng tiếc cuối cùng, chính “vận may” ấy, đã khiến họ từ chỗ nghèo khổ nhưng chưa bần cùng, lại rơi vào con đường người chết, kẻ chạy trốn, …
Qua hàng loạt những chuyện như thế, hòn đá vẫn là hòn đá, căn nhà sang trọng vẫn giữ nguyên, nhưng con người đã thay đổi mất rồi, tựa như thông điệp vô thường xuyên suốt bộ phim vậy.
Trên đây là những lời phân tích của BlogAnChoi về bộ phim đã đạt giải Oscar lần thứ 92 của năm 2020. Tới đây Ký Sinh Trình sẽ chiếu lại tại Việt Nam từ ngày 17/2/2020 tại các cụm rạp CGV trên toàn quốc, hãy ra rạp để thưởng thức trọn vẹn bộ phim này nhé.
Một số bài viết cùng chủ đề mà bạn có thể tham khảo:
Và đừng quên theo dõi BlogAnChoi để biết thêm nhiều thông tin hay hơn nữa nhé!