Gái Già Lắm Chiêu V: Những Cuộc Đời Vương Giả vừa công chiếu toàn quốc, đối đầu trực tiếp với Bố Già của Trấn Thành – Vũ Ngọc Đãng. Liệu một bộ phim sang chảnh, đầu tư khủng, tung ra rất nhiều chiêu bài drama có hay như kỳ vọng?
Thông tin phim Gái Già Lắm Chiêu V
- Thể loại: Phim tâm lý, tình cảm
- Đạo diễn: Bảo Nhân, Nam Cito
- Diễn viên: Lê Khanh, Hoàng Dũng, Hồng Vân, Kaity Nguyễn, Lê Khánh, Jun Vũ…
- Giới hạn tuổi: 13+
- Khởi chiếu: 5/3/2021
- Thời lượng: 115 phút
phim Gái Già Lắm Chiêu V
Lý Lệ Hà, Lý Lệ Hồng (NSND Hồng Vân) và Lý Linh là 3 chị em gái, chủ nhân của Lý gia quyền lực, giàu có và nổi tiếng bậc Nhất. Lý Lệ Hà là một nhà sưu tầm và đấu giá các cổ vật hoàng cung, cực kỳ thông minh, sắc sảo và lọc lõi mọi mưu mô thủ đoạn của thươn trường. Lý Linh là cô em gái út 25 tuổi với tham vọng quyền lực cực lớn là ngồi lên chiếc ghế tại tòa tháp Đế Vương.
Điều này rất khó, nhưng Lý Linh lại được “mách nước” rằng cô có thể một bước lên tiên, chỉ cần đánh đổi một chút lợi ích cỏn con của gia tộc. Đó chính là chiếc phượng bào Phượng Hoàng Tam Vĩ – bảo vệ của Lý gia mà chị cả Lý Lệ Hà đang sở hữu và bảo quản. Với tham vọng của mình, Lý Linh quyết định “tiền trảm hậu tấu”, sẽ lấy chiếc phượng bào trước để đạt được quyền lực, sau đó sẽ đòi lại sau.
Nhưng mọi chuyện đâu có đơn giản như suy nghĩ 25 tuổi của cô gái ấy. Bởi lời hứa của chàng thiếu gia họ Quách về chiếc ghế Đế Vương chắc gì đã là sự thật. Còn chiếc phượng bào của Lý Lệ Hà chắc gì dễ dàng lấy được? Và dù có lấy được, chắc gì cô đã có thể bảo vệ nó chu toàn khi có hàng trăm kẻ tham lam cũng đang nhòm ngó bảo vật có một không hai này.
Trailer phim Gái Già Lắm Chiêu V
Gái Già Lắm Chiêu V: Cả tấn drama và plot twist
Gái Già Lắm Chiêu V là một bộ phim được đầu tư siêu khủng cả về tiền bạc lẫn chất xám. Bộ phim chú trọng xây dựng nhiều lớp lang drama để đánh lừa khán giả và chính các nhân vật của họ. Cùng tìm hiểu xem từng lớp drama này đã làm tốt nhiệm vụ của mình chưa nhé.
Drama chiến lược kinh doanh
Đầu tiên, chúng ta có drama chiến thuật kinh doanh. Gia đình Lý gia, đứng đầu là chị cả Lý Lệ Hà (NSND Lê Khanh) nổi tiếng trong giới sưu tầm cổ vật vì những món đồ quý hiếm, danh giá.
Nhưng về bản chất, đây là những món đồ “giả cổ”, được bà Lệ Hà “phù phép” phủ lên lớp nguồn gốc sang trọng để “qua mắt” người mua và bán với giá thành cắt cổ. Lợi nhuận từ nguồn “hàng pha ke” này tăng lên chóng mặt và mang lại giàu sang cho nhà Lý gia.
Nhưng không chỉ dừng ở lợi nhuận, Lý Lệ Hà còn phải “dày công” tạo ra tiếng tăm cho gia đình bằng những “truyền thuyết” đặc biệt có một không hai” Chiếc Phượng Bào tam Vĩ trở thành món bảo vật gia truyền khiến nhiều người thèm khát. Bên cạnh giá trị về mặt thời gian và vị thế quyền lực, Phượng Bào tam Vĩ trở thành báu vật vì chẳng ai có thể đụng vào nó, dù có “chịu chơi” bao nhiêu tiền đi nữa.
Chiến lược kinh doanh lợi hại của Lý Lệ Hà còn nằm ở việc bà thường xuyên “cài người” thân thiết vào các cuộc đấu giá triệu đô nhằm mục đích tăng giá trị món đồ cổ và “mua đi bán lại” nhiều lần để giữ được đồ của mình. Thế nên, chẳng mấy ai biết Lý Lệ Hà có hai cô em gái nữa là Lý Lệ Hồng (NSND Hồng Vân) và Lý Linh (Kaity Nguyễn).
Mới nhìn, chiêu trò này khá tinh vi nhưng nghĩ kỹ với văn hóa phương Đông, một gia đình quyền quý như Lý gia hẳn phải rất nổi tiếng qua các đời con cháu mà không ai biết đến sự tồn tại của hai cô em gái thì hơi vô lý.
Chiêu thức kinh doanh “đánh tráo” này còn lặp lại ở tuyến nhân vật phụ. Chính là cha con họ Quách – trùm bất sản châu Á ở Thành phố Hồ Chí Minh. Con trai Quách Gia Huy (Anh Dũng) là bạn trai của em út Lý Linh. Lợi dụng lòng ham muốn chức Phó Tổng của tập đoàn danh giá, cha con họ Quách tính dùng lại chiêu “Mỵ Châu – Trọng Thủy” với Mỵ Châu hóa thân thành Lý Linh và chiếc nỏ thần giờ đây được thay thế bằng Phượng Bào tam Vĩ.
Động cơ của kế hoạch “đểu cáng” này chỉ được giải thích bằng việc nhà họ Quách muốn mang áo về “trưng chơi vậy thôi” – điều này khiến họ trở thành những nhân vật phản diện khá yếu về cả động cơ lẫn kế hoạch hành động.
Drama gia đình lừa nhau
Chính vì “tiếp tay cho giặc” nên Lý Linh – một người chẳng hề thích công việc đồ cổ của gia đình lại quay trở về Huế để lừa các chị mình. Tất nhiên, kế hoạch của cô đổ bể dưới tay của chị cả Lý Lệ Hà. Trước đó, bà chị cũng hốt hoảng xanh mặt vì báu vật tự dưng biến mất do chính cô em Lý Lệ Hồng giấu đi.
Nhân vật Lệ Hồng mang lại tiếng cười cho phim với tính cách nhí nhảnh trong khi đã quá tuổi cùng những pha hành xử “đi vào lòng đất” suýt phá hỏng bao kế hoạch. Lệ Hồng suốt ngày “giả ngây giả ngô” nhưng thực chất biết hết mọi bí mật trong nhà và có người tình mấy chục năm chính là ông quản gia giả điếc (Kiến An). Cô em Lệ Hồng cứ nghĩ mình “qua mắt” được bà chị Lệ Hà, nhưng thực chất chị ấy đã biết từ lâu.
Với những tình huống lừa đi lừa lại như thế này, phim sẽ làm tốt hơn nếu dựng phim biết cách che đi những tình tiết quan trọng và các nhân vật không cần phải “bàn tới bàn lui” nhiều lần về kế hoạch. Bại lộ khi nghe lén vẫn là cách xử lý tình huống quen thuộc phim dùng lại nhiều lần.
Đỉnh điểm của việc người trong nhà Lý gia giấu nhau chuyện hệ trọng chính là mối quan hệ thật sự giữa Lý Lệ Hà và Lý Linh. Đây là drama làm tốt nhất và gây sốc nhất cho phim. Với việc xây dựng hai nữ nhân vật với tuổi tác chênh lệch, vừa có nét tính cách đối lập, lại vừa có điểm giống nhau trong tham vọng và mưu mô, drama hiệu quả nhất của phim được đẩy lên cũng nhờ vào màn diễn xuất nhập vai của cả NSND Lê Khanh và Kaity Nguyễn.
Drama tiểu tam
Đây là mối quan hệ tam giác ngang trái giữa đại gia Vĩnh Nghị (cố NSND Hoàng Dũng) – vợ cả Tôn Nữ Thục Lan (Lê Khánh) – “tiểu tam” Lý Lệ Hà. Bạn mong chờ một màn đánh ghen hoành tráng hay những lời lẽ có tính sát thương đâm vào tim nhau? Gái Già Lắm Chiêu V không dùng phương thức đó vì các nhân vật trong phim đều là giàu có và tiếng tăm, họ cần giữ thể diện của mình. Họ ghen ghét, thù hận với nhau nhưng vẫn toát ra vẻ quý phái, thượng lưu.
Ngoại tình trong phim được coi là một “cuộc chơi” có luật lệ và những người trong cuộc cần tuân thủ luật lệ đó dù phải đánh đổi những cái giá quá đắt. “Cuộc chơi” này được ví với ván cờ vua hàng đêm đại gia Vĩnh Nghị chơi cùng Lệ Hà nhưng suốt mấy chục năm ông không nhường bà một lần “phong hậu”. Để cuối cùng, dù thắng hay thua họ đều rút ra bài học xương máu: Phận phụ nữ khổ đau khi không được yêu thương trọn vẹn.
Phim có đoạn hồi ức với sự tham gia của Jun Vũ, Trang Hý để giải thích kỹ hơn về drama này. Cách dựng phim ở trường đoạn này hợp lý khi đan xen lời thoại của các nhân vật ở thời điểm hiện tại và cảnh quay ở thời điểm quá khứ. Những người phụ nữ vẫn luôn day dứt về sai lầm của mình và họ là hiện thân của linh hồn trống rỗng qua nhiều năm sống trong lớp vở kịch hôn nhân.
Drama lối sống thượng lưu
Như đã nói ở trên, để giữ danh dự cho mình, các nhân vật luôn phải tạo nên vỏ bọc hoàn hảo để che đậy. Nhà Lý gia có câu nói nổi tiếng rằng: “Khi nào vườn bạch trà nở đóa hoa màu đỏ, con gái Lý gia mới được phép đi lấy chồng”, ám chỉ việc giữ gìn danh tiết luôn được xem trọng.
Nhưng chúng ta đều biết Lý Lệ Hà – người đặt ra quy tắc đó là người “đạp đổ” đầu tiên. Bà cũng phải sống trong bi kịch vì danh phận không được thừa nhận và lén lút che giấu tầng tầng bí mật đau lòng. “Nhà giàu cũng khóc” là vì thế. Dù ở tầng lớp nào trong xã hội, họ đều có những điều khó xử.
Để nổi bật lối sống thượng lưu, phim mạnh tay đầu tư về thiết kế bối cảnh, thiết kế phục trang cho các nhân vật. Tổng chi phí sản xuất cho phim rơi vào khoảng 2 triệu đô – gấp đôi kinh phí của siêu phẩm Bố Già ra mắt cùng thời điểm.
Khuôn viên Bạch Trà Viên rộng hơn 500 mét vuông trị giá hơn 2 tỷ đồng do đoàn làm phim thiết kế đã được trao tặng lại cho chính quyền địa phương để mở rộng tham quan du lịch hậu Covid-19.
Ngoài ra, phim cũng sử dụng những bối cảnh sẵn có với giá trị văn hóa như quần thể Đại Nội – Huế, cung An Định, bảo tàng lịch sử… cùng với tòa khách sạn 6 sao nổi tiếng ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Việc phục chế chiếc Phượng bào tam vĩ đòi hỏi “dày công” cả về thời gian, tiền bạc và sức người. Những nghệ nhân phải cẩn trọng trong từng đường kim mũi chỉ để cho ra mắt bộ trang phục quý hiếm.
Cũng giống phần phim trước, từng đồ vật trong bối cảnh cũng được đầu tư kỹ lưỡng, toát lên thần thái của gia đình có lối sống thượng lưu. Đánh giá về xây dựng bữa tiệc điện ảnh thịnh soạn và sang chảng, chắc hẳn cặp đôi đạo diễn Bảo Nhân – Nam Cito luôn đứng ở vị trí cao trong giới làm phim Việt.
Phim mạnh về thị giác, yếu về cảm xúc
Vì đầu tư mạnh tay về mọi thứ liên quan đến thị giác khán giả lại cộng thêm quay phim “mãn nhãn” trong mọi khung hình, Gái Già Lắm Chiêu V đẹp ở nhiều góc độ. Đại cảnh cố đô Huế với cặp đôi chèo thuyền, cưỡi ngựa hoặc đứng trên cao bàn tính mưu mô… đều khiến khán giả trầm trồ.
Nhất là phân cảnh mưa bão được xử lý không hề “giả trân” càng đẩy diễn xuất phức tạp của diễn viên lên tới đỉnh cao. Bạn sẽ ngạc nhiên với màn hóa thân của Kaity Nguyễn, cô đã trút được kiểu vai tuổi cô gái trẻ ngây thơ, dễ thương như trong Em Chưa 18 hoặc Tiệc Trăng Máu.
Dù ở lứa tuổi nào, các diễn viên của phim cũng toát ra vẻ đẹp sang trọng. Có những vai diễn chỉ cần đẹp thôi cũng đủ để “tha thứ”, chẳng hạn Jonathan Vĩnh Thụy (Khương Lê). Khán giả sẽ được chiêm ngưỡng những nụ cười tỏa sáng của anh cùng màn “khoe thân” táo bạo.
Nhưng nếu là khán giả khó tính, bạn sẽ thấy phân đoạn đó quen quen như đã từng xuất hiện trong phần trước với màn trình diễn của cặp đôi máy bay “bà già” Ninh Dương Lan Ngọc – phi công trẻ Lê Xuân Tiền.
Không chỉ về thị giác, nhạc phim cũng khiến người nghe chăm chú. Bài hát chủ đề “Đóa bạch trà” do Bùi Lan Hương sáng tác và trình bày đã gây ấn tượng mạnh cho khán giả cả về giai điệu và câu từ. Phim cũng không lạm dụng nhạc phim quá nhiều mà để đến tận cuối khi khán giả đã hiểu rõ câu chuyện mới tung ra con át chủ bài đánh mạnh vào cảm xúc.
Tuy nhạc phim hay là thế nhưng xét về tổng thể, phim tập trung vào quá nhiều drama khiến cho cảm xúc của khán giả chưa thật sự vỡ òa. Vì họ mải mê cuốn vào việc giải mã các drama thì khi những tâm tư của số phận phụ nữ hay tình mẹ con trong bóng tối… được đẩy ra, họ chưa kịp để dâng trào cảm xúc đã bị cuốn ngay vào drama khác.
Không khí căng thẳng với những màn gào khóc xuyên suốt phim sẽ khiến khán giả có cảm giác nặng nề, u uất. Những màn hài hước không quá đặc sắc để tạo thế cân bằng. Phim nắm bắt xu thế khi khai thác triệt để tính hiếu kỳ của khán giả mỗi khi “hóng” drama nhưng cũng hơi mạo hiểm khi đánh mất tính giải trí đơn thuần để khán giả cảm thấy vui vẻ.
Tóm lại, Gái Già Lắm Chiêu V – Những cuộc đời vương giả vẫn đáng xem ngoài rạp nhưng nếu bạn quá kỳ vọng, sẽ cảm thấy chưa thỏa mãn lắm đấy.