Đào, Phở Và Piano là bộ phim điện ảnh Việt Nam đang gây chú ý trên các mxh bởi sự đánh giá cao của khán giả và yêu cầu tăng suất chiếu. Vậy Đào, Phở Và Piano có gì hấp dẫn mà lại thu hút người xem như vậy?
Thông tin phim Đào, Phở Và Piano
- Thể loại: Phim chiến tranh, tâm lý
- Đạo diễn: Phi Tiến Sơn
- Diễn viên: Doãn Quốc Đam, Thùy Linh, NSƯT Trần Lực, Thiện Hùng, ca sĩ Tuấn Hưng, NSND Trung Hiếu, nghệ sĩ Anh Tuấn…
- Khởi chiếu: 10/2/2024
- Rạp chiếu: Trung tâm Chiếu phim Quốc gia
phim Đào, Phở Và Piano
Đào, phở và piano lấy cảm hứng từ cuộc chiến 60 ngày đêm vào cuối năm 1946, đầu năm 1947 của quân dân Hà Nội. Trong những trận đánh cuối cùng trước khi quân ta rút khỏi Hà Nội năm 1947 lên chiến khu, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến trường kỳ, một số người vẫn chọn ở lại chiến lũy.
Họ, có tên hoặc không có tên, cùng nhau kể một câu chuyện bi tráng mà không kém phần lãng mạn về “tâm hồn Hà Nội” trong khói lửa.
Đó là một cảm tử quân (Doãn Quốc Đam đóng) băng qua lửa đạn để mang về một cành hoa mùa xuân bởi “ngoài chiến lũy cũng thèm một cành đào đẹp”. Anh có một đám cưới cảm động với tiểu thư xinh đẹp Hà thành (Cao Thùy Linh đóng) giữa một Hà Nội đổ nát. Họ trèo tít lên cao để ngắm nhìn thành phố của họ trong đêm hạnh phúc cuối cùng (17-2-1947).
Có mặt trong lễ cưới là một họa sĩ già (NSƯT Trần Lực đóng) ở lại để hương khói cho những người đã hy sinh. Ông có một bức tranh cần hoàn thành và một vị linh mục (NSND Trung Hiếu đóng) “không muốn chiến tranh”, “cần yên bình”. Hai người đã cùng ăn phở, nói về nghệ thuật, uống rượu vì ngày mới – ngày “tận hiến”.
Đó là một cậu bé đánh giày mơ yên vui ngày cũ, hãnh diện đội chiếc mũ cảm tử quân trên đầu; một ông phán Tây học (ca sĩ Tuấn Hưng đóng) mê ca trù theo đuổi chủ nghĩa lãng mạn đến tận cùng.
Và hai vợ chồng hàng phở (Anh Tuấn và Nguyệt Hằng thủ vai) nấn ná chưa đi vì muốn nấu cho anh em chiến lũy bát phở. Thời buổi chiến loạn, họ vẫn chờ một nắm hành thơm Nhật Tân cho đủ vị, thong thả xay bột bằng cối đá, tráng bánh phở, chờ miếng nạm nhừ.
Trailer phim Đào, Phở Và Piano
Đào, Phở Và Piano: Khó săn vé hơn BLACKPINK
Sau 1 ngày khởi chiếu, bộ phim chiến tranh do nhà nước đặt hàng Đào, Phở Và Piano “chả hiểu vì sao nổi” trên mạng xã hội đã bán hết toàn bộ vé đến ngày 20/2/2024. Sau đó từ 3 suất chiếu tăng lên 5 suất và giờ là 10 suất tại rạp Quốc gia. Website đặt vé của Rạp sập mạng liên tục do lượng người truy cập đặt vé tăng đột biến, có lúc đạt hơn 30.000 lượt truy cập cùng lúc (hiện vẫn sập). Thời gian ra rạp được thông báo sẽ kéo dài đến 10/3 so với lịch dự kiến ban đầu.
Nhưng đáng tiếc Đào, Phở Và Piano vẫn chỉ đang chiếu duy nhất tại 01 rạp tại Hà Nội khiến khán giả mong muốn các rạp chiếu phim như CGV cũng mua phim về để chiếu.
Chẳng cần truyền thông rầm rộ nhưng dân tình vẫn phải kêu trời kêu đất vì xuất chiếu Đào, Phở Và Piano quá ít, khiến Trung tâm Chiếu phim Quốc gia phảnh nhanh chóng bổ xung xuất chiếu, kéo dài thời gian chiếu để đáp ứng nhu cầu xem phim của khán giả.
Phòng chiếu tĩnh lặng. Những tiếc nấc nghẹn ngào. Những tiếng vỗ tay không ngớt. Khán giả chờ đợt đến dòng chữ cuối cùng. Phim đã kết thúc, đèn bật sáng mà khán giả vẫn lặng yên miên man với thông điệp sáng đẹp, bi hùng, nhân văn về một Hà Nội anh hùng, hào hoa, lãng mạn, tinh tế…
Đào, Phở Và Piano: Tái hiện “một ngày” Hà Nội
Nói về cái tên khá lạ của bộ phim, đạo diễn Phi Tiến Sơn cho biết, là người sinh ra, lớn lên và gắn bó cả đời ở Hà Nội, từ lâu ông đã mong muốn làm một bộ phim để nói về những điều hay và đặc trưng của mảnh đất này.
Và đào, phở hay piano chính là những đặc trưng không thể thiếu của Hà Nội xưa. Đào, phở và piano có mùi súng đạn, có hoang tàn, đổ nát, có cả máu và nước mắt nhưng cũng có tiếng đàn piano chạy dài như một khúc trữ tình của Hà Nội, có những cánh hoa đào bay phấp phới trong gió réo gọi tự do, có mùi thơm của phở, có môi thắm má hồng và tình yêu đôi lứa.
Bộ phim tái hiện “một ngày” của Hà Nội trong 60 ngày đêm chiến đấu vào cuối năm 1946, đầu năm 1947 của quân dân Hà Nội. Cuộc chiến chính là bản hùng ca mở đầu những năm tháng kháng chiến chống Pháp của dân tộc. Với số lượng, vũ khí và trang bị ít ỏi, chênh lệch lớn so với kẻ thù nhưng các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô quả cảm vẫn chiến đấu bảo vệ Hà Nội thân yêu.
Bên cạnh việc khắc họa chân thực trận chiến khốc liệt của lịch sử, thì Đào, phở và piano cũng đi sâu vào tìm hiểu, lý giải cốt cách, phẩm chất người Hà Nội, làm nổi bật hình ảnh các tầng lớp người tuy rất khác nhau về thân thế, nhưng gặp nhau bởi tình yêu cái đẹp, những đam mê tao nhã, khí chất lãng tử và lòng yêu nước hồn nhiên.
Phim tập trung khai thác những khoảnh khắc cuối cùng của họ, khoảnh khắc của tình yêu: yêu sự sinh tồn, yêu cái đẹp, yêu tự do…
Đào, Phở Và Piano: 20 tỷ là bước tiến lớn của điện ảnh Việt
Để có thể tái hiện không khí trận chiến quyết liệt bảo vệ Hà Nội trong 60 ngày đêm từ cuối 1946 – 1947, ê kíp thực hiện phim Đào, phở và piano đã dựng một trường quay “khủng” với quy mô lớn tại một doanh trại quân đội cũ ở Đại Lải (Vĩnh Phúc). Sau hơn 5 tháng thi công, một phim trường khá quy mô với bối cảnh là những ngôi nhà phố cổ Hà Nội thập niên 1940, cửa hàng tạp hóa, hiệu may, quán ăn, thậm chí có cả xe tăng, toa tàu điện… đã được tái hiện.
Có thể coi “Đào, Phở và Piano” là một phim nhà nước mang tư duy cởi mở, nếu không muốn nói là đột phá trong cả khâu thực hiện lẫn kiểm duyệt. Lần đầu tiên cảnh nóng được thể hiện một cách trực diện, nhưng với những góc quay, ảnh sáng và bố cục đậm tính nghệ thuật.
Tuy nhiên, điểm trừ của phim là việc biên kịch dường như quá tham, muốn nhét nhiều tuyến truyện, nhiều nhân vật quá khiến có những nhân vật được xây dựng chưa đến nơi đến chốn.
Nếu giảm bớt một tuyến truyện, dành thời gian xây dựng kĩ hơn về cảm xúc, những mâu thuẫn nội tâm các nhân vật còn lại, có lẽ “Đào, Phở và Piano” sẽ chạm đến nhiều đồng cảm hơn với khán giả.