Có lẽ trong lịch sử điện ảnh, chưa bao giờ người ta nhìn thấy thể loại phim siêu anh hùng phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Bằng việc khai thác những năng lực siêu phàm từ các siêu anh hùng, “vũ trụ điện ảnh” ngày càng trở thành một mảnh đất màu mỡ để các nhà làm phim đua nhau khai thác. Đối đầu trong cuộc đua đó không thể không nhắc đến Marvel và DC.
Trong thế giới của thể loại phim siêu anh hùng, Marvel và DC đang là hai gã khổng lồ nắm quyền thống trị. Tuy nhiên, thực tế ở các bộ phim trên màn ảnh rộng đang cho thấy DC ngày càng trở nên thất thế trước Marvel. Thất bại nặng nề của bom tấn “nửa mùa” “Batman vs Superman: Dawn of justice” trước siêu phẩm điện ảnh “Captain America: Civil War” chính là một ví dụ rõ ràng nhất cho sự vượt trội của Marvel trong thể loại phim này. Vậy đâu là lý do tạo nên những sự khác biệt về thành công của hai kẻ thống trị trong thế giới siêu anh hùng?
1.“Vũ trụ điện ảnh” của Marvel ra đời sớm hơn:
Thuật ngữ “Marvel Cinematic Universe” (MCU) đã xuất hiện từ năm 2008 với sự ra đời của bộ phim đầu tiên “Iron Man”, mở đầu cho “giai đoạn 1” (Phase One) trong kế hoạch phát triển vũ trụ điện ảnh của Marvel. Thành công ngoài mong đợi của “Iron Man” đã tạo ra một bước chạy đà hoàn hảo để các nhà sản xuất tạo ra những bộ phim khác xoay quanh những siêu anh hùng Marvel khác vốn đã quá quen mặt với các fan của comics như Thor, Captain America, Hulk,…
Ngoại trừ “The Incredible Hulk”, các bộ phim “Thor” và “Captain America: The First Avengers” đã gặt hái được nhiều khá nhiều thành công. “Thừa thắng xông lên”, Marvel đã tập hợp các nhân vật này vào biệt đội “The Avengers” và bắt đầu việc liên kết các thương hiệu phim này lại, bắt đầu xen kẽ sự liên kết mật thiết với nhau. Bạn sẽ không thể hiểu được đầy đủ nội dung của “The Avengers” nếu như không xem “Iron Man 3”, và chính sự chặt chẽ giữa các phim đã tạo nên một sức hút khổng lồ với các khán giả.
DC tuy sở hữu số lượng siêu anh hùng không hề thua kém so với Marvel, nhưng việc mở đầu một vũ trụ điện ảnh quá chậm trễ đã khiến họ mất đi một lợi thế vô cùng to lớn trước kình địch của mình. “Superman: Man of Steel” đã đặt những viên gạch đầu tiên cho DC Extended Universe (DCEU) vào năm 2013, nhưng mãi tận 3 năm sau “Batman v Superman: Dawn of Justice” mới tiếp tục xây dựng và phát triển. Trong suốt 3 năm đó, Marvel đã tung ra được khá nhiều những tác phẩm điện ảnh thành công, và chính vì điều đó mà thất bại của DC trước Marvel ở thời điểm hiện tại là không quá khó hiểu.
2. Nội dung phim:
Ngay từ đầu, các nhà sản xuất của Marvel đã xác định đối tượng hướng tới của mình là thanh thiếu niên từ độ tuổi teen trở lên, và điều này đã đem lại cho họ nhiều thành công rực rỡ, đặc biệt là về doanh số. Để các “đứa con” của mình phù hợp với các khán giả teen, Marvel đã cho ra đời các bộ phim với nội dung tươi sáng, mang đến sự hài hước trong các câu thoại và xây dựng hình tượng các nhân vật ít nghiêm túc, mang tính giải trí cao và gần gũi với người xem. Dĩ nhiên các phim do Marvel thực hiện vẫn có những trường đoạn triết lý và u ám, song lại được thể hiện nhẹ nhàng và thoải mái hơn nhiều.
Trong khi đó, DC chọn cho mình một con đường hoàn toàn ngược lại so với Marvel khi các bộ phim của họ mang màu sắc u tối, với những tình tiết đẫm máu, bạo lực ở mức cao. Những người trưởng thành lại là đối tượng được hướng tới đối với các nhà sản xuất của DC và có lẽ chính điều này đã ảnh hưởng ít nhiều đến thất bại của họ về mặt doanh số trước đối thủ kình địch. Trilogy “The Dark Knight” tuy được xem là những thành công ít ỏi của DC song cũng nhận được nhiều chỉ trích do tính bạo lực cao, nội dung u ám và có nhiều tình tiết mang ẩn ý khiến người xem cảm thấy khó hiểu. “Batman vs Superman: Dawn of Justice” là thất bại về nội dung của DC khi cốt truyện rối rắm, dài dòng và lan man, khiến phim bị giới phê bình lạnh nhạt.
3. Marvel hay DC?
Mỗi người đều sẽ có những lựa chọn khác nhau dựa vào gu điện ảnh của riêng mình. Tuy nhiên, bỏ qua các đánh giá chủ quan, những yếu tố khách quan cho thấy Marvel đang vượt trội hơn DC ở thời điểm hiện tại trong thế giới phim siêu anh hùng.
Doanh thu
Trải qua 8 năm với 13 bộ phim bom tấn, vũ trụ điện ảnh Marvel đã cán cột mốc 10 tỷ USD về doanh thu sau thành công vang dội của “Captain America: Civil War”. Chỉ riêng với bộ phim này, Marvel đã kiếm được 1.1 tỷ USD, đưa bộ phim đứng thứ 1 danh sách những phim có doanh thu cao nhất 2016 và thứ 12 trong lịch sử điện ảnh. “Trong khi đó, Batman v Superman: Dawn of Justice” tuy lập kỉ lục về doanh thu phòng vé trong tuần đầu tiên nhưng trong tuần thứ hai lại lập một kỉ lục khác về sụt giảm doanh thu. Con số 872,7 triệu USD doanh thu toàn cầu tuy không hề nhỏ nhưng nếu đem so sánh với con số 1.1 tỷ USD của Civil War, ta sẽ nhìn ra một khoảng cách không hề nhỏ giữa Marvel và DC.
Đánh giá bộ phim
28% trên Rotten Tomatoes hay B- trên Cinema Score sẽ khiến những người không phải là fan cuồng của DC cảm thấy do dự trước khi bỏ tiền để mua một chiếc vé đến xem “Batman v Superman: Dawn of Justice”. Nếu phải lựa chọn giữa một bộ phim với số điểm như vậy với một “Captain America: Civil War” với số điểm lần lượt giữa hai trang web đánh giá uy tín là 90% và A, chắc chắn các khán giả sẽ không chút ngại ngần mà tìm đến bộ phim của Marvel.
Ở hiện tại, DC thật sự quá lếp vế so với Marvel. Tuy nhiên, với một lịch sử huy hoàng trong lĩnh vực siêu anh hùng, chắc chắn điều này cũng đã động chạm khá nhiều đến lòng tự ái của DC và họ sẽ có những cải thiện to lớn trong tương lai. Bộ phim “Suicide Squad” đang được công chiếu trên các màn ảnh rộng được hi vọng là sự phục sinh của DC trên đấu trường điện ảnh sau thất bại nặng nề “Batman v Superman” trong cuộc chiến giữa hai ông lớn trong thế giới phim siêu anh hùng.