Hãng Laika và sự đột phá trong công nghệ làm phim stop-motion

Laika Entertainment không phải là hãng phim duy nhất thành công và thống trị lĩnh vực sản xuất phim hoạt hình bằng công nghệ “Stop – motion”. Tuy nhiên với đội ngũ nhân viên tận lực với công nghệ làm phim “cổ lỗ” và có suy nghĩ khác biệt, hãng đã đưa những bộ phim hoạt hình tĩnh vật của mình bức phá tiến lên trong thế kỷ 21, giữa phong trào làm phim bằng công nghệ máy tính 3D tiên tiến.

So với các ông lớn như Disney – Pixar, Dreamworks,… Laika chỉ là một “anh lính mới” với tuổi đời non trẻ (thành lập từ năm 2005), nhưng thành công hãng gặt hái được khiến bất cứ hãng phim nào cũng phải dè chừng: 3 đề cử Oscar cho 3 phim hoạt hình duy nhất mà hãng Laika từng sản xuất từ trước đến nay – Coraline, ParaNorman và The Boxtrolls. Tất cả đều mang hơi hướng kinh dị, huyền bí và là những dấu mộc son sắt nhất bảo chứng cho thương hiệu của hãng Laika.

Hãng Laika và sự đột phá trong công nghệ làm phim stop-motion

Ảnh: internet

Laika hình thành từ một công ty có tên Vincent Studios do nhà hoạt họa Will Vincent thành lập ở Portland, ang Oregon. Sự lột xác của công ty đến vào năm 2003 khi Phillip H.Knight, một nhà sáng lập của hãng Nike mua lại công ty này nơi con trai ông – Travis Knight làm họa sĩ hoạt hình. Cái tên của công ty được đổi lại thành Laika, nhằm vinh danh chú chó và cũng là động vật đầu tiên đi lên quỹ đạo. Sau đó công ty được định hướng phát triển theo hai bộ phận – một chuyên về các bộ phim dài (hợp tác với hãng Focus Feature) và một chuyên về các sản phẩm quảng cáo.

Hãng Laika và sự đột phá trong công nghệ làm phim stop-motion

Những nhân vật tiêu biểu nhất của hãng laika (ảnh: internet)

Travis Knight, hiện là chủ tịch, giám đốc kiêm họa sĩ hoạt hình chính trong các dự án phim của Laika tuyên bố rõ ràng về định hướng hoạt động của hãng: “Tôi muốn chúng ta kể những câu chuyện đầy cảm xúc, chủ đề có tính thách thức, kích thích suy nghĩ, và lạ thường, nhưng tôi muốn chúng ta làm điều đó theo cách mới” – “Chúng tôi có thể mở ra tiềm năng của hoạt hình Stop motion bằng cách bám lấy tác giả gây ra cái chết của nó: máy vi tính. Có vẻ giống như những thợ dệt theo phong trào Luddite bám lấy cái khung cửi của mình vậy.”

Tuyên bố của ông có vẻ đã đưa Laika phát triển đúng hướng và đi trên đại lộ của sự thành công theo phong cách rất riêng của mình.

Thành công đầu tiên – Coraline và công nghệ tạo biểu cảm gương mặt

Để phát triển chiến lược sản xuất phim hoạt hình, hãng đã ra sức tuyển mộ các họa sĩ hoạt hình. Henry Selick, nhà làm phim hoạt hình và đạo diễn của hai bộ phim nổi tiếng “The Nightmare Before Christmas” và “James and the Giant Peach” là nhân sự quan trọng đầu tiên được mời về. Ông đã đem đến cho Laika ý tưởng về bộ phim dài đầu tiên, một tác phẩm chuyển thể dựa trên tiểu thuyết của Neil Gaiman “Coraline”. Tiểu thuyết kể về một cô bé tên Coraline chán ghét bố mẹ mình và tình cờ đi vào một chiều không gian song song nơi mọi thứ hoàn toàn trái ngược và thỏa mãn mọi ước muốn của cô bé. Chuyện mang phong cách rùng rợn, quái dị và li kì.

Hãng Laika và sự đột phá trong công nghệ làm phim stop-motion

Quá trình quay phim Caroline (ảnh: internet)

Selick cho biết khi ông “thai nghén” Coraline” ông đã cảm giác phong cách hoạt hình Stop motion là thích hợp nhất nhưng trước tiên ông vẫn cứ thử nghiệm với các kĩ thuật khác. Cuối cùng, Stop motion vẫn là phong cách hoạt hình được chọn lựa cho “Coraline”, với các yếu tố vi tính tạo ra. Đến năm 2009. “Coraline” công chiếu như là bộ phim hoạt hình Stop motion đầu tiên quay 3D, sử dụng một hệ thống quay phim do đạo diễn Pete Kozachik phát triển. Bộ phim cũng là phim hoạt hình tĩnh vật đầu tiên áp dụng công nghệ tạo biểu cảm gương mặt cho rối (puppet) bằng máy tạo mẫu nhanh (rapid prototyping machine), một loại máy in 3D in ra vật thể thay vì in dữ liệu ra giấy.

Hãng Laika và sự đột phá trong công nghệ làm phim stop-motion

Bộ phim lần đầu tiên áp dụng kĩ thuật in 3D để tạo mẫu biểu cảm nét mặt (ảnh: internet)

Ban đầu công nghệ này được ứng dụng để tạo mẫu đồ chơi, nhưng hai nhà làm phim hoạt hình Martin Meunier và Brian McLean phối hợp cùng Selick điều chỉnh lại công nghệ này. Các ông đã phát triển một loạt biểu cảm gương mặt bằng máy tính, sau đó in ra để ghép vào đầu các con rối. Kỹ thuật này giúp tạo cho nhân vật có nhiều biểu cảm hơn và giảm bớt công sức, thời gian của nhân viên kĩ thuật; làm thay đổi cách nhìn về cảm xúc của nhân vật hoạt hình Stop motion. Thử so sánh: nhân vật Jack Skellington của “The Nightmare Before Christmas” có 800 biểu cảm nét mặt trong khi Coraline có những 200.000 biểu cảm nét mặt.

Sự thành công của công nghệ này khiến các hãng Stop motion khác noi theo và ứng dụng trong các bộ phim của mình như Aardman với “The Pirate! Band of Misfits” ra mắt năm 2012.

Tiếp tục phát triển công nghệ biểu cảm gương mặt với tác phẩm ParaNorman

Bộ phim do Christ Butler và Sam Fell làm đạo diễn. Butler trước đó đã tham gia dự án “Coraline” với vai trò giám sát đồ họa và gia nhập Laika không lâu, ông cũng là tác giả của kịch bản “ParaNorman”. Để thực hiện việc thiết kế các nhân vật cho bộ phim, họ đã thuê ngay họa sĩ vừa mới tốt nghiệp Heidi Smith, một người say mê với công việc xử lý nhân vật.

Hãng Laika và sự đột phá trong công nghệ làm phim stop-motion

Hãng tiếp tục áp dụng công nghệ này cho bộ phim thứ hai “ParaNorman” (ảnh: internet)

Khi thực hiện các nhân vật của bộ phim. Heidi đã tạo ra các thiết kế tạo hình chưa từng thấy trước đây và rất khó để hiện thực hóa. Nhưng cuối cùng đó lại là động lực để đội ngũ của hãng cho ra đời những bước phát triển mới trong công nghệ làm phim Stop motion. Bộ phận tạo mẫu nhanh đã có suy nghĩ đột phá: nghĩ cách tô màu cho gương mặt nhân vật bằng máy tính rồi in bằng máy in 3D. Trước đó, các nhân viên phải tô màu gương mặt của nhân vật bằng tay, giới hạn số lượng chi tiết có thể thêm thắt.

Hãng Laika và sự đột phá trong công nghệ làm phim stop-motion

Nhưng lần này có sự khác biệt khi mẫu gương mặt được tô màu bằng máy tính (ảnh: internet)
Hãng Laika và sự đột phá trong công nghệ làm phim stop-motion
Chất lượng hình ảnh nhân vật chân thực đến tuyệt vời (ảnh: internet)

Như vậy, thành công nhận được là các nhân vật trở nên sống động hơn nhiều, giúp khán giả dễ bị lôi cuốn vào câu chuyện của nhân vật hơn. Brian McLean, trưởng bộ phận tạo mẫu nhanh của Laika chia sẻ: “suy cho cùng, đây là chuyện đưa khán giả kết nối với chuyến đi tàu lượn cao tốc của nhân vật đang diễn tiến, và người ta kết nối với điều đó thông qua lời thoại và vẻ mặt.”

The Boxtroll – Đột phá về hình ảnh chuyển động của nhân vật

Bộ phim lần này do Graham Annable và Anthony Stacchi làm đạo diễn, được xây dựng dựa trên tiểu thuyết Here Be Monster của Alan Snow. Tiểu thuyết kể về một tộc quỷ lùn xấu xí, kì quái lấy những chiếc hộp làm quần áo; sống dưới lòng đất và chuyên gom phế liệu của mặt đất đem về để chế tạo thành những máy móc kì lạ.

Hãng Laika và sự đột phá trong công nghệ làm phim stop-motion

Ảnh: internet

Cho đến thời điểm hiện tại, “The Boxtroll” vẫn là bộ phim hoạt hình Stop motion có quy mô lớn nhất được sản xuất. Phim có sự tham gia của 300 nhân viên của Laika với hàng nghìn giờ lao động miệt mài. Bộ phim đánh dấu sự phát triển về mặt sản xuất hình ảnh của Laika.

Hãng Laika và sự đột phá trong công nghệ làm phim stop-motion

Mô hình bối cảnh của “The Boxtroll” được xây dựng trên tỷ lệ lớn rất chân thật (ảnh: internet)

Một cảnh phim điển hình của “The Boxtroll” sử dụng một chiếc camera đặc biệt có khả năng cân bằng và chống rung cực tốt để có thể bắt được các góc máy và từng chi tiết, cử động nhỏ nhất. Mỗi cử động sẽ được camera chụp lại 2 bức hình khác nhau, để khi ghép lại sẽ tạo nên hiệu ứng 3D chân thực trên màn ảnh, tương tự cơ chế hoạt động của 2 thấu kính trong 2 mắt của con người. Với “The Boxtroll”, hãng Laika đã khắc phục được hoàn toàn nhược điểm thiếu liên tục, thiếu độ mượt mà trong cử động của nhân vật. Khán giả cảm nhận chất lượng hình ảnh hoạt hình tốt đến mức tưởng như đây là những cảnh phim thực hiện bằng các kỹ xảo 3D trên máy tính.

Bộ phim còn đạt được thành công về chất lượng lồng tiếng cho nhân vật khi sử dụng dàn sao có thực lực và tài năng trong công việc lồng tiếng. Bộ phim đem lại phong cách đặc trưng rất riêng cho nhân vật và khắc họa rõ nét tính cách thông qua việc xử lý khâu lồng tiếc xuất sắc của mình.

Vượt qua những ranh giới cuối cùng với dự án sắp ra mắt “Kubo and the Two String”

Các bộ phim Stop motion dù đặc biệt về phong cách và lối kể chuyện, vẫn gặp phải trở ngại lớn nhất đó là có bối cảnh không gian hạn hẹp. Do toàn bộ các yếu tố của bộ phim đều được xây dựng từ các mô hình nên nó hạn chế rất nhiều khả năng xây dựng những bối cảnh không gian hùng vĩ như núi đồi, đồng cỏ, phong cảnh thiên nhiên rộng lớn,….

Hãng Laika và sự đột phá trong công nghệ làm phim stop-motion

Poster phim “Kubo and the Two String” (ảnh: internet)

Tuy nhiên, điều này có vẻ sẽ hoàn toàn thay đổi khi dự án hoạt hình thứ tư rất được mong chờ của Laika – “Kubo and the Two String” tung ra trailer. Người xem có thể cảm nhận được sự choáng ngợp trước sự hùng vĩ và sinh động của các bối cảnh thiên nhiên: con sóng thần khổng lồ trong cơn báo giữa đại dương, ngọn núi tuyết trắng xóa trải rộng, ngôi làng nhỏ trên đồng bằng,…. Hiệu ứng hình ảnh lung linh của các bối cảnh này là chưa từng thấy trong các bộ phim Stop motion trước đây. Hy vọng với bước phát triển tiếp theo này, “Kubo and the Two String” sẽ lại là một thành công vang dội khác của Laika.

Với phong cách làm việc sáng tạo không ngừng nghỉ, Laika Entertainment đang là một trong những ngôi sao sáng khác biệt với các hãng phim hoạt hình khác hiện nay. Phong cách làm phim hoạt hình riêng biệt của Laika đem đến một khẩu vị mới về phim hoạt hình dù sử dụng công nghệ được xem là lỗi thời.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *