Thương Lan Quyết đã trở thành “hắc mã mùa hè 2022” với độ nổi tiếng bất ngờ, đè bẹp cả Trầm Vụn Hương Phai và Tinh Hán Xán Lạn. Nhưng càng nổi tiếng càng dễ bị soi mói, mới đây Thương Lan Quyết đã bị tố “đạo nhái” văn hóa Nhật Bản và cả châu Âu.
Thương Lan Quyết có yếu tố Nhật Bản
Trước Thương Lan Quyết, 2 bộ phim là Tinh Hán Xán Lạn và Ta Là Lưu Kim Phượng đã bị tố đạo nhái văn hóa, trang phục Nhật Bản. Ta Là Lưu Kim Phượng sau đó đã bị tẩy chay và bị Youku ẩn khỏi nền tảng chính còn Tinh Hán Xán Lạn phải lùi lịch chiếu để tự kiểm duyệt và sửa chữa một số chi tiết liên quan.
Đến Thương Lan Quyết, khi Đông Phương Thanh Thương đưa Hoa Lan Nhỏ và thuộc hạ xuống hạ giới để tìm kiếm thân xác người phàm của cựu chiến thần Xích Địa Nữ Tử thì khán giả phát hiện ra tạo hình của Quách Hiểu Đình trông rất giống geisha Nhật Bản.
Tất nhiên, sự khác biệt giữa tạo hình Trung Quốc thời Đường và geisha không quá lớn. Vậy nên việc tạo hình của Quách Hiểu Đình trong vai Tạ Uyển Khanh có giống geisha Nhật Bản cũng có thể chỉ là một “báo động sai”, vì một số khán giả đã nhầm lẫn sự khác biệt giữa trang điểm Nhật Bản và trang điểm thời Đường.
Nhưng sau đó lại có một số chi tiết khác khiến khán giả lên án bộ phim đạo nhái Nhật Bản, và điều này dường như không còn dễ giải thích nữa.
Một số cư dân mạng phát hiện ra trên chiếc trâm cài của nữ chính Hoa Lan nhỏ và bạn của cô Kết Lê có thiết kế rỗng hình tròn, tương tự như mẫu hoa cúc mười sáu cánh. Có thể thấy chiếc trâm cài này không phải là của thời xưa của Trung Quốc mà là chiếc trâm cài kiểu Nhật Bản.
Ở cảnh Hoa Lan Nhỏ cố tình trang điểm xấu để dọa chạy Tiêu Nhuận cũng bị khán giả chỉ ra rằng Hán phục thời Đường cũng sẽ không đeo tua ở hai bên trán. Cách trang điểm đeo tua trên trán này là của Nhật Bản.
Tuy nhiên, ekip làm phim của Thương Lan Quyết đã rất thông minh khi tập trung vào yếu tố “giả tưởng phương Đông”. Đoàn làm phim lý giải rằng Thương Lan Quyết là phim tiên hiệp huyền huyễn, tất cả đều là giả tưởng nên không cố định là một nền văn hóa cụ thể nào cả. Nếu xét theo quan điểm này thì mọi tạo hình trong phim đều có thể chấp nhận được.
Thương Lan Quyết là phim cổ trang nhưng có đồ hiện đại phương Tây
Ngay từ đầu bộ phim Thương Lan Quyết, một số người đã đặt nghi vấn rằng váy của các tiên tử trên Thủy Vân Thiên không giống trang phục cổ trang mà giống váy phù dâu của châu Âu hơn.
Sau đó, khi Nguyệt tôn Đông Phương Thanh Thương trở về biển Thương Diêm, về lại cung điện của mình, nhiều khán giả nhận thấy rằng có một chiếc giường kiểu châu Âu tinh tế trong phòng ngủ của Nguyệt tôn. Còn có lò sưởi, áo choàng và các nội thất trong cung điện đều rất sa hoa, lộng lẫy theo phong cách tân cổ điển châu Âu. Có người còn khen: Đông Phương Thanh Thương trông như bá tước Châu Âu!
Đoàn làm phim ngay lập tức đã khẳng định bản thân bộ phim là “yếu tố giả tưởng phương Đông”, là một câu chuyện hư cấu ở bối cảnh thần tiên nên bạn có thể thấy rất nhiều sự va chạm, pha trộn và kết hợp các phong cách trong phim, vì vậy trang phục không giống trang phục phim cổ trang bình thường cũng là điều hợp lý.
Ekip Thương Lan Quyết cũng giải thích bối cảnh bộ phim, cụ thể là biển Thương Diêm nơi Nguyệt tôn sống được lấy cảm hứng từ Con đường tơ lụa, để thực hiện ý tưởng sáng tạo về thế giới giả tưởng phương Đông mới. Con đường tơ lụa vốn là con đường giao thương từ đông sang tây thời cổ đại, trên con đường tơ lụa thịnh vượng xuất hiện một số đồ đạc, mặt hàng mang phong cách châu Âu là lẽ đương nhiên, và đồ ăn phương Tây, phòng ngủ xếp nếp kiểu châu Âu và phép thuật Grindelwald trong vở kịch đều được giải thích hợp lý theo khái niệm sáng tạo này.
Tuy những khán giả khó tính vẫn cảm thấy một bộ phim cổ trang lại xuất hiện văn hóa Nhật Bản hay các món đồ hiện đại của phương Tây, thậm chí đồ ăn như của nhà hàng 5 sao Michelin là không phù hợp, thì khán giả phổ thông dễ tính hơn cho rằng: Miễn phim hay là được, bối cảnh đẹp, đạo cụ có đầu tư, nhìn sang trọng đẹp mắt là được.
Còn bạn, bạn nghĩ sao về vấn đề này? Hãy chia sẻ dưới phần bình luận để BlogAnChoi được biết nhé!