Tháng Năm Rực Rỡ là dự án phim remake tiếp theo của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, sẽ được công chiếu chính thức vào ngày 9/3/2018. Nhưng trước đó cả năm trời thì khán giả bình phẩm, tranh luận cũng như mong chờ bộ phim này đến đứng ngồi không yên. Vậy thì có điều gì hấp dẫn ở Tháng Năm Rực Rỡ lại khiến mọi người háo hức tới vậy, hãy cùng BlogAnChoi tìm hiểu thử nhé.
Dòng phim remake (làm lại) của Việt Nam không phải là chưa có, nhưng cũng chưa nhiều và chưa quá nổi bật như Trung Quốc hay Hàn Quốc. Dự án đầu tiên thành công nhất phải kể đến chính là Em Là Bà Nội Của Anh cũng chính của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng. Tiếp nối thành công đó, anh đã lựa chọn bộ phim Sunny của Hàn Quốc với tên gọi tiếng Việt là Tháng Năm Rực Rỡ để chuyển thể.
Có rất nhiều ý kiến khác nhau về bộ phim này nhưng phần đông khán giả vẫn rất háo hức mong chờ được “sống lại một thời thanh xuân” với niềm tin rất lớn vào sự thành công Tháng Năm Rực Rỡ, bởi những lý do sau:
Đề tài thanh xuân gần gũi lại hấp dẫn người xem
Phiên bản gốc Sunny là một dự án phim thành công nhất của điện ảnh Hàn Quốc năm 2011, với vốn đầu tư chỉ có 5,5 triệu USD nhưng doanh thu lại gấp 10 lần. Điều này chứng tỏ được sức hút của bộ phim đối với người xem là vô cùng lớn và cũng là “tem đảm bảo” cho phiên bản remake của Việt Nam.
Tháng Năm Rực Rỡ lấy nhân vật Hiểu Phương là trung tâm chính, là một cô bé “nhà quê chính hiệu” từ Phan Rí chuyển lên Đà Lạt sinh sống. Từ đây cuộc đời cô hoàn toàn lật sang trang mới khi gặp được nhóm bạn “có tuổi trẻ đáng yêu nhất thế giới”: Mỹ Dung “đại ca”, Thùy Linh “nữ hoàng chửi thề”, Bảo Châu “đại minh tinh”, Tuyết Anh “hoa khôi” và Lan Chi “bé Mập”.
Cứ tưởng rằng nhóm “Ngựa Hoang” sẽ cùng nhau rong ruổi trên suốt hành trình tuổi trẻ cho đến tận khi trưởng thành, nhưng hàng loạt biến cố xảy ra lại khiến họ thất lạc nhau hơn 20 năm trời.
Đó chính là khi cuộc gặp gỡ tình cờ của Hiểu Phương “gái quê” với “chị đại” Mỹ Dung 20 năm đã giúp họ bắt đầu hành trình tìm được những mảnh ghép thất lạc và một lần nữa cùng sống lại dưới bầu trời tuổi trẻ rực rỡ, chói sáng nhất.
Đề tài về thanh xuân không còn mới nhưng chưa bao giờ hết hấp dẫn đối với người xem. Bởi ai cũng đều có một thời thanh xuân của riêng mình, và khi trôi qua rồi, đều mong muốn được quay trở lại, cảm nhận một lần nữa bầu trời xanh ấy, tuổi trẻ nhiệt huyết ấy.
Đó chính là lý do khiến cho Tháng Năm Rực Rỡ thu hút được nhiều sự chú ý đến vậy.
Dàn diễn viên “đo li đóng giày” cho từng nhân vật
Khi nhân vật chính Hiểu Phương thời trẻ được giao cho Hoàng Yến Chibi đã khiến nhiều cư dân mạng tỏ ra lo lắng về diễn xuất của cô ca sĩ mới bắt đầu đá chéo sân sang nghiệp diễn này. Nhưng khi trailer phim được tung ra, người ta liền gật gù công nhận đạo diễn Dũng “khùng” có mắt nhìn người tốt thật.
Hoàng Yến Chibi vừa có nét nhí nhảnh đáng yêu lại có vẻ ngây thơ cùng chất giọng Bắc nhỏ nhẹ ngọt ngào, rất phù hợp với cô bé nhút nhát hiền lành Hiểu Phương. Và diễn xuất của cô bé cũng gây bất ngờ cho nhiều người bởi sự chắc chắn và rất có hồn.
Nhân vật thứ 2 giữ vai trò quan trọng trong phim, Kang So Ra với vai diễn đại ca trường học Ha Chun Hwa đã từng giành được giải thưởng Baeksang. Còn ở phiên bản Việt thì “chị đại” Mỹ Dung do Hoàng Anh đảm nhận.
Cứ tưởng rằng cô á hậu mảnh mai này sẽ khó lòng nổi bật được nhưng ai ngờ cô “cân” được cả bộ phim bằng sự mạnh mẽ phóng khoáng của thủ lĩnh nhóm “Ngựa Hoang”. Thậm chí nhiều cư dân mạng còn nhận xét rằng Hoàng Anh là diễn viên xuất sắc nhất phim, không kém cạnh bản gốc chút nào.
Còn ở phiên bản trưởng thành thì Hồng Ánh vẫn luôn là “nàng thơ” của điện ảnh Việt Nam nên khi đảm nhận vai Hiểu Phương không thể làm khó được cô. Mỹ Duyên thì lại lột xác ngoạn mục khi vào vai bà cô già vừa mê trai vừa chửi thề như hát hay, là phiên bản lớn tuổi của Thùy Linh.
Ngoài ra các nhân vật còn lại như “hoa khôi” Tuyết Anh, Lan Chi, Bảo Châu, Thùy Linh đều do các diễn viên trẻ đảm nhận nhưng tạo hình và khả năng diễn xuất đều rất “tròn vai”. Hoặc giống như họ không phải đang diễn mà chỉ là thể hiện lại chính thời thanh xuân tuổi trẻ của mình mà thôi, mới có được sự hoàn hảo và chân thật tới vậy.
Sự tinh tế từ kịch bản đến bối cảnh, góc quay
Một bộ phim hay, cái cốt lõi quan trọng nhất vẫn là phải dựa vào kịch bản. Và đây là điểm sáng lớn lao mà Tháng Năm Rực Rỡ có được.
Để chuyển thể từ một bộ phim Hàn Quốc có sự chênh lệch về văn hóa, xã hội, con người… là một nút thắt đối với các biên kịch phim, nhưng Tháng Năm Rực Rỡ vừa giữ được cái hồn thơ đầy cảm xúc, khơi gợi sự đồng cảm của Sunny mà vẫn có được những thay đổi táo bạo nhưng hợp lý để tạo sự gần gũi, thể hiện đúng chất “phim Việt”.
Từ việc lùi thời gian về thời điểm Việt Nam thời kì cuối chiến tranh giải phóng cho đến việc lựa chọn Đà Lạt làm bối cảnh chính đều cho thấy sự tinh tế của các nhà biên kịch đến từng chi tiết phim. Thành phố Đà Lạt thời kỳ đó vừa có sự thơ mộng vốn có nhưng cũng ngấm ngầm nảy sinh những mâu thuẫn, bạo động từ ý thức giác ngộ trong mỗi cá nhân cho tới phong trào biểu tình của sinh viên…
Ngoài ra Tháng Năm Rực Rỡ cũng đầu tư mạnh tay cho bối cảnh phim. Từ những xưởng phim tư nhân, những rạp hát hay phòng học, những đường phố đều mang màu sắc, phong cách cổ điển của những năm 70, 80.
Đạo diễn Quang Dũng cũng đã “lên tay” rất nhiều sau các dự án phim như Mỹ Nhân Kế, Dạ Cổ Hoài Lang… khi có những thước phim, những góc quay vô cùng đẹp không chỉ khán giả mà giới chuyên môn cũng có lời khen ngợi. Điển hình như phân đoạn giới thiệu về lớp học của nhóm “Ngựa Hoang” hay cuộc hỗn chiến trên đường phố và những màn chuyển cảnh từ quá khứ tới hiện tại cũng rất mượt mà, hợp lý.
Với những lý do trên, bạn còn gì phải băn khoăn hay ngần ngại nữa, hay ngay lập tức “book” vé để ra rạp tận hưởng những “tháng năm rực rỡ” của một thời thanh xuân đi nào.
Tháng Năm Rực Rỡ chính thức được công chiếu vào ngày 9/3/2018 và đã có những suất chiếu sớm vào ngày 7,8/3/2018.
Một số thông tin có thể bạn quan tâm:
Hãy theo dõi BlogAnChoi thường xuyên để cập nhật những tin tức thú vị nhất bạn nhé