Phim Mùi Đu Đủ Xanh do Pháp sản xuất, quay hoàn toàn ở phim trường trên đất Pháp nhưng do Trần Anh Hùng chỉ đạo nên mang cảm giác vô cùng mới lạ và đẹp mắt trong từng giây phút. Đây là một bộ phim dành cho những mọt phim yêu thích lối phim nhẹ nhàng, chậm rãi, vintage mang màu sắc đậm chất văn hóa Việt Nam.
“Kể về cuộc sống của cô bé Mùi từ quê lên Sài Thành làm người giúp việc cho gia đình một nhà bán vải. Mùi rất giống người con gái đã mất của bà chủ, vì vậy dù là người ở cô vẫn nhận được sự ưu ái hơn cả. Sau khi ông chủ bỏ đi với tất cả số tiền trong nhà, ông trở về và bị bệnh nặng, không bao lâu thì chết. Việc làm ăn của gia đình bà chủ cũng theo đấy đi xuống.
10 năm sau, vì để Mùi có cuộc sống tốt hơn, bà chủ đã để cô đến giúp việc cho nhà cậu Khuyến, bạn con trai cả của bà. Bảo là để cô đến giúp việc cho cậu nhưng bà lại cho cô bộ áo cánh đẹp, dây chuyền, lắc tay vàng giống như của hồi môn gả con gái đi vậy. Ở đây, Mùi nhìn thấy cuộc sống của cậu Khuyến với vị hôn thê của cậu. Nhưng cậu thích chơi dương cầm hơn dành thời gian cho cô. Dần dần cậu nhận ra cậu có tình cảm với Mùi lúc nào không hay. Khi vị hôn thê của cậu biết việc này đã lập tức hủy hôn. Từ đấy, Khuyến đã bày tỏ tình cảm của mình với Mùi và dạy cô đọc sách, đọc chữ. Cuối cùng, hình ảnh mờ ảo hiện ra cảnh cậu Khuyến đang chơi đàn, người chủ nhà ban đầu và hình ảnh Mùi ra dáng một quý bà đang đọc thơ cho chồng.”
Mùi Đu Đủ Xanh đẹp bởi một Sài Gòn thơ mộng
đẹp về mặt hình ảnh. Đẹp từ những khung hình đầu tiên. Bối cảnh của phim là Sài Gòn những năm 1950, mặc dù không thay đổi nhiều về khung cảnh nhưng vậy cũng đủ tái hiện cuộc sống của người dân nơi đây lúc bấy giờ. Một cuộc sống bình yên vô cùng.
Không biết đạo diễn Trần Anh Hùng đã tốn bao nhiêu thời gian để tìm được hết những đạo cụ đậm chất Việt Nam như trong phim, không đọc miêu tả cũng không biết đây là bộ phim được quay hoàn toàn ở Pháp. Cũng phải kể đến những cảnh quay dài, liên tục (xuất hiện rất nhiều xuyên suốt bộ phim) tập trung chủ yếu vào hành động của Mùi, nó khiến chúng ta nhìn thấy nhịp sống sinh hoạt sôi nổi, tất bật của con người trong phim.
Phim đẹp còn là một bộ phim có màu đẹp, không giống điện ảnh Hong Kong hay những phim Nhật Bản với màu sắc nặng, trầm buồn, Mùi Đu Đủ Xanh mang một màu sắc vô cùng trong trẻo, màu của những bóng nắng hắt xuống sân, màu của tâm hồn con người. Điều đó giúp bộ phim trở nên dịu dàng, dễ chịu. Không cần plot twist, bộ phim diễn ra một cách hết sức chậm rãi, bình bình, không cao trào, đơn giản mang tới cho người xem câu chuyện về lát cắt của một đời người thôi. Dù vậy cũng khó có thể đoán được nội dung tiếp theo lắm.
Mùi Đu Đủ Xanh đẹp bởi các nhân vật chuẩn mực
Đẹp thứ hai, xây dựng nhân vật với cốt cách chuẩn mực cùng dàn diễn viên đẹp. Đúng vậy! Trời ơi, xem phim mà xuýt xoa con bé Mùi xinh xắn thế, ánh mắt con bé to tròn, trong sáng nhìn mà mê. Rồi phong thái của bà chủ, cậu Khuyến,… đều thể hiện rất tốt. Ngôn ngữ cơ thể của các diễn viên hoàn toàn truyền tải được thông điệp mà không cần lời. Tuy báo chí hay các trang giới thiệu đều nói rằng phim kết thúc hạnh phúc, nhưng lúc xem khán giả khó có thể biết liệu đấy là thực tế hay do cô Mùi tưởng tượng ra. Dù sao thì cảm giác đọng lại vẫn là vui mừng vì cuối cùng người con gái ấy cũng tìm được bến đỗ hạnh phúc.
Một cái đẹp nữa, đẹp trong cách sử dụng hình ảnh ẩn dụ.
• Đu đủ xanh: Hình ảnh đầu tiên Mùi nhìn thấy vào ngày đầu tiên làm giúp việc cho nhà bà chủ, xuất hiện 3 lần trong cả bộ phim. Đây là hình ảnh đại diện cho người phụ nữ Việt Nam thời bấy giờ. Một hình tượng vừa “đủ” nghĩa là không đòi hỏi, chấp nhận cuộc sống an phận thủ thường. Ví như cô bé Mùi, 10 năm trời làm người ở nhưng vẫn vui vẻ mà sống, vẫn tìm được niềm vui nhỏ bé trong cuộc đời nhỏ bé của cô. Hay giống như bà chủ tiệm vải đầu tắt mặt tối lo toan mọi chuyện trong nhà nhưng vẫn nhún nhường trước người chồng bạc nhược chỉ lo ăn chơi, thậm chí khóc khi ông trở về sau khi lấy hết tiền bỏ nhà ra đi. Dù không có màu vàng đẹp mắt hay vị ngọt như quả chín nhưng “đu đủ xanh” có mùi hương đặc trưng cùng dòng nhựa trắng chảy ra khi mới cắt lôi cuốn người ta. Ruột đu đủ xanh màu trắng chính là ẩn dụ cho tâm hồn trong sáng, ngây thơ của người con gái.
• Nụ cười của ông Thuận: Thời lượng xuất hiện không nhiều, nhưng đóng vai trò kể câu chuyện về cái đẹp trong tình yêu của con người Việt Nam. Sau 7 năm trời dõi theo Bà Nội từ xa, cuối cùng với sự giúp đỡ của Mùi, ông cũng được nhìn thấy người mình luôn mong nhớ, cho dù chỉ là bóng lưng. Và nụ cười của ông, cũng là hình ảnh cuối cùng ông xuất hiện, thể hiện sự mãn nguyện như thể đó là giây phút đẹp nhất cuộc đời ông. Hạnh phúc đối với ông Thuận chỉ cần như thế.
• Chiếc áo đẹp nhất của Mùi: Ở cả lúc Mùi 10 tuổi và 10 năm sau, hình ảnh chiếc áo đẹp nhất được nhắc lại. Mùi luôn muốn xuất hiện với một dáng vẻ xinh đẹp nhất trước rung động đầu đời của mình. Hình ảnh chiếc áo ấy cũng là nhắc nhở về một tình yêu thuần khiết, còn ấp ủ suốt nhiều năm của người con gái, điều ấy vô cùng đáng quý.
Đây là một bộ phim có tiết tấu rất chậm, lại ít thoại. Nhưng đâu phải lúc nào cũng cần lời thoại để hiểu được nhân vật đâu, đôi khi phải cảm nhận bằng hình ảnh đạo diễn gửi gắm vào phim. Tóm lại, đây vẫn là một bộ phim đáng để xem nên là xem thử đi các bạn.