Sau 3 lần kiểm duyệt, phim kinh dị Kẻ Ăn Hồn – tiền truyện của Tết Ở Làng Địa Ngục đã chính thức ra rạp ngày 14/12. Tuy nhiên vì bị “cắt gọt” nhiều nên phim thành ra đầu voi đuôi chuột.
Thông tin phim Kẻ Ăn Hồn
- Tên tiếng Anh: A Soul Reaper
- Thể loại: Kinh dị, tâm lý, phim ma
- Đạo diễn: Trần Hữu Tấn
- Nhà sản xuất: Hoàng Quân
- Diễn viên: Hoàng Hà, Võ Điền Gia Huy, Huỳnh Thanh Trực, NSƯT Chiều Xuân
- Ngày phát hành: 15/12/2023
- Thời lượng: 105 phút
phim Kẻ Ăn Hồn
Kẻ Ăn Hồn lấy bối cảnh vào 15 năm sau khi làng Địa Ngục được lập nên. Nhân vật chính trong phim là cô Phong (Hoàng Hà), người có dòng máu thuần âm, có thể nhìn thấy được vong hồn và là con của ông Khôi (nghệ sĩ Viết Liên), trưởng làng Địa Ngục.
Những tưởng hỷ sự của cô Phong và cậu Sang (Võ Điền Gia Huy) sẽ kéo theo điềm lành cho dân làng thì ồ ạt những cái chết ly kỳ kéo đến, kèm theo đó là những con rối với vết tích giống hệt vết thương chí mạng của nạn nhân, đẩy người dân trong làng rơi vào trạng thái mơ hồ, sợ sệt, đâm ra ý muốn được thoát khỏi làng để giữ lấy mạng sống.
Mở đầu bằng án mạng, hơn 100 phút sau đó là chuỗi các vụ án ghê rợn và hành trình gỡ nút thắt, tìm ra kẻ thủ ác đứng sau mọi việc của cô Phong, cậu Khảm (Huỳnh Thanh Trực) nói riêng và cả cái làng điên cuồng kia nói chung.
Trailer phim Kẻ Ăn Hồn
Có cần xem Tết Ở Làng Địa Ngục trước khi xem Kẻ Ăn Hồn?
Dù được giới thiệu là tiền truyện của Tết Ở Làng Địa Ngục nhưng khán giả có thể yên tâm nếu chỉ muốn xem bản phim điện ảnh Kẻ Ăn Hồn mà bỏ qua series 12 tập kia. Bởi vì Kẻ Ăn Hồn không có liên kết nhất quán với Tết Ở Làng Địa Ngục. Có thể khi xem phim, bạn sẽ thấy sự xuất hiện đồng thời của một số nhân vật trong 2 bối cảnh phim (ví dụ như Thập Nương), nhưng thực sự chúng không liên quan đến nhau quá nhiều, không nên suy xét về đời tổ tiên đến đời con cháu vì phim không có ẩn ý gì sâu xa đến vậy đâu.
Hơn hết, khán giả không cần phải xem Tết Ở Làng Địa Ngục rồi mới hiểu Kẻ Ăn Hồn, những thông tin trọng yếu đều được tóm tắt ngắn gọn qua lời dẫn ở đầu phim.
Kẻ Ăn Hồn: Kinh dị, rùng rợn, rởn da gà
của Kẻ Ăn Hồn khá đơn giản, mục đích chính của phim là giải thích cụ thể về cổ thuật luyện Rượu Sọ Người, chỉ ra kẻ đầu tiên luyện rượu trong làng và lý do tại sao cả họ nhà trưởng làng có thể “ung dung tự tại” ra vào cái làng dính lời nguyền chết chóc mà không bị gì.
Chất kinh dị của Kẻ Ăn Hồn được làm tốt hơn khá nhiều so với loạt phim Tết Ở Làng Địa Ngục. Các vụ án được thiết lập hợp lý và kích thích được cảm giác suy đoán từ người xem. Những cái chết được thể hiện khá rùng rợn, theo nhiều cách khác nhau và mỗi án mạng đều có sự liên kết, tương tự kiểu ám ảnh của những kẻ giết người hàng loạt.
Phim không sử dụng jumpscare quen thuộc của dòng phim kinh dị nhưng biết cách làm người xem phải sợ bằng những cảnh máu me được tạo nên bằng kỹ thuật hoá trang và phần âm thanh với âm lượng to, được “điểm xuyết” bằng những chi tiết đắt giá như đom đóm câu hồn, đò chở vong và mồ hôi máu…
Kẻ Ăn Hồn: Kịch bản “đầu voi đuôi chuột”
Kẻ Ăn Hồn có cốt truyện riêng biệt, đan xen giữa những sự kiện kinh hoàng và tuyến tình cảm giữa ba nhân vật Phong, Sang và Khảm. Họ là những người bạn thuở nhỏ, cùng lớn lên rồi chứng kiến những bị kịch của ngôi làng và có những ảnh hưởng nhất định về lời nguyền mà mọi người trong làng phải gánh chịu. Các mạch truyện này đều làm tốt nhiệm vụ của mình và hỗ trợ khá tốt cho toàn bộ cốt truyện.
Phần tiền truyện của Kẻ Ăn Hồn cũng giải thích được khá nhiều câu hỏi trong loạt phim Tết Ở Làng Địa Ngục như: Lý do vì sao dân làng Địa Ngục không thể rời khỏi nơi đây hay vì sao chỉ có những người trong nhà của trưởng làng mới xuống núi được? Quá khứ của Thập Nương và vì sao bà mang nỗi oán hận với người dân trong làng? Cách thức để luyện được cổ thuật Rượu Sọ Người, giúp chiếm xác đoạt hồn, điều binh khiển quỷ?…
Tuy nhiên về chi tiết Rượu Sọ Người là xương sống cho bộ phim nhưng đáng tiếc là Kẻ Ăn Hồn đã bỏ lỡ cơ hội khai thác vấn đề này, thay vào đó lại hướng ánh nhìn của khán giả đến mối hận thù giữa các nhân vật và đề cập khá sâu về chi tiết mồ hôi máu.
Dù nội dung ngắn gọn, xúc tích nhưng Kẻ Ăn Hồn vẫn có nhiều điểm trừ đáng tiếc. Gặp khó khăn ở khâu kiểm duyệt nên có không ít cảnh bị cắt đi, thế nên, khán giả sẽ không thể thấy một số phân đoạn trên trailer xuất hiện trong phim (phần lớn những đoạn có con rối đều bị lược bỏ hoặc làm mờ).
Nửa đầu phim khá dài dòng và rời rạc. Dần về hồi kết, phim nặng tính tâm lý thay vì kinh dị như mong đợi của nhiều người. Thoại của các nhân vật ở một số đoạn hù dọa có âm lượng nhỏ hơn âm thanh nên hơi khó nghe. Lời thoại trong phim đậm chất kịch, phần thoại dài dòng, sử dụng khá nhiều văn viết đan xen khiến người xem đôi lúc có cảm giác như các diễn viên đang trả bài thay vì diễn xuất thật sự.
Vì muốn giữ chân tướng hung thủ để tạo bất ngờ nên mạch cảm xúc chưa đủ mạnh, bị đẩy ra sau thông qua những đoạn hồi tưởng nhưng lại trôi qua lại khá nhanh và cụt khiến người khó tính sẽ cảm thấy “tức cái mình” với kiểu kết xử lý phim vội vàng này.
Tùy vào cảm nhận của mỗi người mà trải nghiệm khi xem Kẻ Ăn Hồn sẽ khác, sẽ có người đặt nhiều kỳ vọng vào phim, phải hơn cả chất lượng của Tết Ở Làng Địa Ngục chẳng hạn. Với chủ bài viết, một khán giả không đặt quá nhiều kỳ vọng trước tình trạng phim phải trải qua ải kiểm duyệt đến ba lần cũng như theo dõi làng Địa Ngục từ bản dài tập đến bản điện ảnh thì Kẻ Ăn Hồn vẫn đáng xem vì nhiều lý do.