Phim truyền hình Hàn Quốc và Trung bắt đầu phổ biến trở lại dạo gần đây và ngày càng được bàn luận luận trên các mạng xã hội. Bài viết dưới đây sẽ phân tích những khác biệt giữa phim Hàn Quốc và Trung Quốc.
Lưu ý: Bài viết không bàn luận về phiên bản nào hay hơn mà chỉ so sánh những điểm khác nhau thường thấy từ các bộ phim truyền hình Hàn (K-drama) và Trung (C-drama).
1. Biên kịch
Kịch bản các K-drama thường được viết bởi những biên kịch nổi tiếng và được giới phê bình đánh giá cao, tiêu biểu là Kim Eun Sook, Jung Hyun Min, Kim Eun Hee.
Với C-drama, kịch bản thưởng được chuyển thể từ các tiểu thuyết của các nhà văn nổi tiếng, các tác phẩm của họ thường đã được công bố trên nhiều nền tảng và có một lượng người hâm mộ đáng kể. Có thể nói, kịch bản của những biên kịch chính thống thường được những nhà sản xuất xếp sau những bộ tiểu thuyết nổi tiếng.
2. Số tập, thời lượng
Phim truyền hình Trung Quốc thường khá dài, số tập dao động trong khoảng 35–70 tập và mỗi tập thường từ 30-45 phút. Trong khi phim truyền hình Hàn Quốc thường chỉ có khoảng 10-20 tập phim và mỗi tập kéo dài từ 60-90 phút.
Phim bộ Trung được phát sóng 2 tập mỗi ngày và khoảng 2 đến 3 tuần là hoàn tất một bộ phim. Còn với phim Hàn thì chỉ phát sóng 2 tập mỗi tuần và một bộ phim như vậy thường kéo dài khoảng 2 tháng. Những K-drama đôi lúc khiến người xem cảm thấy việc chờ đợi như một cực hình.
3. Thể loại
Phim truyền hình Trung và Hàn đều đa dạng ở nhiều thể loại: hành động, kinh dị, lãng mạn, hài hước hay siêu nhiên. Tuy nhiên, nhìn chung thì C-drama thường làm tốt hơn ở thể loại cổ trang, lịch sử so với K-drama.
Các bộ phim cổ trang Trung Quốc nổi đình đám trong vài năm trở lại đây có thể kể đến ”Diên Hy công lược”, ”Đông cung”, “Trần Tình Lệnh”, “Hương mật tựa khói sương”. Hầu hết nhà làm phim rất chú trọng việc nghiên cứu lịch sử, thiết kế trang phục, bối cảnh và tạo hình của nhân vật.
Trong khi đó, phim bộ Hàn thì có thế mạnh ở thể loại tình cảm, hiện đại hơn so với C-drama. Những bộ phim trở thành đề tài nóng hổi trong đầu năm 2022 phải kể đến “Hẹn hò chốn công sở”, “Tuổi 25, Tuổi 21” và “Ba mươi chín”. Các phim này nhìn chung được đầu tư tốt về cốt truyện lẫn tạo hình nhận vật, trong đó đặc biệt là phản ứng hoá học bùng nổ giữa các nhân vật.
4. Kỹ xảo
K-drama thường được ca ngợi bởi kỹ xảo mãn nhãn và ấn tượng không thua kém bất kỳ tác phẩm Hollywood nào. Các tác phẩm “Goblin”, “Hotel Del Luna”, hay “Penthouse” cho thấy được sự trau chuốt và tỉ mỉ trong khâu kỹ xảo của các nhà làm phim Hàn Quốc.
Nếu K-drama khiến người xem choáng ngợp bởi kỹ xảo chuyên nghiệp và chân thực thì kỹ xảo của C-drama lại thường không được đánh giá cao. Các bộ phim Trung Quốc dù tạo được thành công trên thị trường trong và ngoài nước nhưng chúng cũng nhận không ít gạch đá vì kỹ xảo có phần ba xu và rẻ tiền. “Trường Ca Hành”, “Cẩm y chi hạ”, “Tam thiên nha sát” trở thành tiêu điểm chỉ trích vì kỹ xảo quá kém cỏi.
5. Thời điểm phát sóng
Quá trình sản xuất ra một bộ phim của Hàn Quốc và Trung Quốc khá khác nhau. Phim bộ Hàn thường được quay và phát sóng gần như song song, kịch bản của phim thường không hoàn thành trước vì các biên kịch có thể thay đổi nội dung cho phù hợp với phần lớn mong đợi của khán giả. Tuy nhiên đôi khi việc thay đổi kịch bản phút chót trong các K-drama lại làm cốt truyện lệch hướng và có gì đó không logic.
Ngược lại với phim truyền hình Hàn, những phim bộ Trung sẽ hoàn thiện mọi thứ trước khi phát sóng. Đồng nghĩa là, nếu bộ phim đó chưa thực hiện xong quá trình sản xuất, hậu kỳ cũng như khâu kiểm duyệt thì chúng sẽ không được phát sóng. Do vậy, khi các C-drama công bố thời điểm khởi quay thì khán giả thường phải chờ đợi từ nữa năm đến một năm để bộ phim đó lên sóng.
Tuy nhiên, trong vài trường hợp thời gian chờ đợi một C-drama có thể kéo dài vài năm hoặc tệ hơn là bị “đắp chiếu” vô thời hạn nếu như khâu kiểm duyệt không suôn sẻ.
6. Lồng tiếng
Nếu như các bộ phim Hàn Quốc thường sử dụng giọng nói thật của diễn viên để nâng cao mức độ chân thực trong diễn xuất thì phía phim Trung Quốc hay phải lồng tiếng lại cho hầu hết các bộ phim và có nhiều lí do để họ phải làm việc này.
Đầu tiên, ngôn ngữ Trung Quốc có nhiều trọng âm ngay cả cách phát âm của mỗi vùng cũng khác nhau, điều này có thể gây khó hiểu cho khán giả xem phim ở những vùng khác. Thứ hai, diễn viên trong phim có thể đến từ Đài Loan, Hồng Kông hoặc các nước khác, việc họ không thông thạo ngôn ngữ của Trung Quốc là điều tất yếu. Cuối cùng, chất giọng của diễn viên không phù hợp với vai diễn mà họ đảm nhiệm, Dương Mịch là ví dụ điển hình cho việc cần phải sử dụng lồng tiếng vì chất giọng mũi đặc biệt của cô.
7. Đồ ăn
Phim Hàn Quốc luôn tạo cảm giác gần gũi với cuộc sống thực, lối sinh hoạt hay thậm chí việc ăn uống cũng sẽ được đề cập nhiều trong các K-drama. Khán giả chắc không còn lạ gì với những phân cảnh ăn uống cùng gia đình hay các bữa ăn nhậu với bạn bè, đồng nghiệp trong các drama Hàn Quốc.
Còn với phim Trung Quốc, chúng ta thường thấy họ bày sẵn một bàn thức ăn thịnh soạn nhưng ít khi thấy diễn viên ăn đến. Lí do lớn nhất là do phim Trung thường ưu tiên sử dụng đạo cụ hơn là thức ăn thật, các nhà làm phim cho rằng sử dụng đạo cụ sẽ giúp diễn viên không cần ăn quá no và tránh tình trạng thức ăn bị hỏng, ôi thiu khi quay quá lâu.
8. Trang phục cổ trang
Các bộ phim truyền hình cổ trang Trung Quốc chú trọng nhiều đến trang phục của từng triều đại lịch sử, thậm chí ngay cả trong sản xuất các bộ phim giả tưởng chất lượng trang phục cũng phải cực kỳ mãn nhãn. “Diên Hy Công Lược” hay “Như Ý Truyện” là những loạt phim tuyệt đẹp ở mọi góc độ, được ca ngợi vì tính chính xác trong trang phục thời nhà Thanh.
Trong khi đó, phim cổ trang Hàn Quốc hầu như tập trung vào triều đại Joseon, triều đại cuối cùng của Hàn Quốc với trang phục phổ biến Hanbok. Các phim về triều đại trước Joseon thường không quan tâm đến tính chính xác của trang phục, bên cạnh đó chúng còn bị ảnh hưởng lớn từ các phim Hồng Kông, Trung Quốc hay thậm chí là Nhật Bản. Một số ví dụ tiêu biểu: “Nữ hoàng Seondeok”, “Jumong” và “Hoàng Hậu Ki”.
Bên cạnh đó, trang phục Hanbok đôi khi cũng được cách tân và biến tấu để nâng cao tính thẩm mỹ trong các K-drama giả tưởng như “Mây hoạ ánh trăng” và “Người tình ánh trăng”.
Bài viết vừa phân tích một số điểm khác nhau thường thấy giữa phim truyền hình Hàn Quốc và Trung Quốc. Sẽ còn có một vài điểm mà bài viết chưa đề cập đến, độc giả có thể bình luận những cái khác cần nhắc đến ngay bên dưới bài viết.
Xem thêm các bài viết liên quan:
- 6 phim Trung Quốc tháng 4/2022: Dương Dương đối đầu Địch Lệ Nhiệt Ba
- 8 phim Hàn Quốc lên sóng tháng 4/2022: Toàn những cái tên đình đám
- Top 30 phim hài Hàn Quốc hay nhất khiến bạn cười ra nước mắt
- 10 phim Trung Quốc nổi tiếng, được mong chờ nhất 2022 theo Detawen
- List 10 bộ phim ngôn tình hiện đại ngược tâm nhất màn ảnh Hoa Ngữ