Trước thông tin Kính Vạn Hoa của Nguyễn Nhật Ánh sẽ được chuyển thể thành phim điện ảnh, phần lớn khán giả đều “xin tha” cho Nguyễn Nhật Ánh, đừng phát nát tuổi thơ của bao thế hệ nữa.
Kính Vạn Hoa bản điện ảnh có gì đáng chú ý?
Sau thành công của các phim điện ảnh chuyển thể từ truyện Nguyễn Nhật Ánh như Mắt biếc, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Cô gái đến từ hôm qua…, nhà sản xuất và phát hành Galaxy Studio sẽ tiếp tục đưa Kính vạn hoa lên màn ảnh rộng.
Nhà làm phim được lựa chọn cho dự án này là Võ Thanh Hòa, đạo diễn của các phim ăn khách như Chị Mười Ba, Nghề siêu dễ, Siêu lừa gặp siêu lầy…
Với độ dài 54 tập (khổ nhỏ) hoặc 9 tập (khổ lớn), Kính vạn hoa từng được dựng thành phim truyền hình dài tập. Bộ truyện “Kính vạn hoa” đã từng được chuyển thể thành phim truyền hình và nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của khán giả. Ba phần của bộ phim (sản xuất năm 2005, 2006, 2008) được chiếu trên kênh HTV9 Đài truyền hình TP.HCM.
Trong đó, phải kể đến hình ảnh của bộ 3 Quý – Long – Hạnh được tái hiện sinh động qua phần thể hiện của các diễn viên Ngọc Trai – Vũ Long – Anh Đào, đã in sâu vào tâm trí khán giả. Đây sẽ là một thách thức cho phiên bản điện ảnh để tìm kiếm được Quý Ròm, Tiểu Long và nhỏ Hạnh thế hệ tiếp theo.
Bên cạnh đó, khi thông tin làm phim điện ảnh được tung ra, nhiều độc giả đặt câu hỏi: “Bộ truyện 54 tập sẽ được gói gọn trong phim điện ảnh như thế nào? Liệu có khả thi không?”. Thắc mắc này sẽ được lý giải trong thời gian tới.
Phản ứng của netizen về Kính Vạn Hoa bản điện ảnh
- Thấy tên đạo diễn tự nhủ coi như chưa từng thấy poster này…Cái không khí vườn trường 15,20 năm trc của Kính Vạn Hoa mấy đứa nhỏ bây giờ nó ko thấm được và diễn viên cũng khó diễn ra lắm
- Má ơi thấy tên võ thanh hoà là niềm tin lung lay :))) phim ông này làm dở vl
- Mong rằng tuổi thơ không bị tàn phá banh nát bét nữa…
- Tôi cần ai đó giải cứu cho các tác phẩm của bác Nguyễn Nhật Ánh khỏi tay các vị đạo diễn, không phim nào từ sách của bác được chuyển thể ra hồn cả. Giờ tới Võ Thanh Hoà nữa chời!!!!
- Cái bóng quá lớn của bộ phim truyền hình có thể đè chết phần phim điện ảnh này.
- Trời ơi sao thấy bất ổn quá à. Đợt coi Mắt Biếc muốn xủi, coi xong ra ôm một đống hỗn độn về phải nghe truyện với đọc lại không thì tưởng đâu trí nhớ mình bị sai luôn á.
- AI ít thôi nhà đài, tay như quái thú thì đổi qua Kính vạn hoa chết chóc đi =)))))
- Huhu làm phim bộ mà lược bớt rất nhiều thứ rùi, làm phim điện ảnh chắc bỏ gần hết cuốn luôn quá
- Tôi nghe nói có một lời nguyền trong ngành điện ảnh, đó là poster xấu thì phim sẽ dở. Poster “Kính Vạn Hoa” mới công bố còn xài AI thì không biết thế nào.
- Người Việt thích đi xem ủng hộ phim Việt vì phim Việt có nội dung riêng, có cái hay riêng, có chất Việt, chứ như này thì … đó giờ là 1 người chưa hề chê cái gì… mà này nhìn buồn thiệt.
- Đây là lúc chúng ta nên đi coi lại truyện và bản truyền hình
Kính Vạn Hoa: Gắn liền với tuổi thơ bao thế hệ
Kính vạn hoa là một bộ truyện dài nhiều tập của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Bộ truyện gồm 54 tập truyện mang tính hài hước kể về những chuyện vui buồn trong giới học trò, những trò nghịch ngợm, những trò chơi thú vị, những bài học cuộc sống sâu sắc và đầy ý nghĩa. Nội dung tác phẩm xoay quanh ba nhân vật chính:
Nhỏ Hạnh: Bộ từ điển biết đi, siêu giỏi tất cả các môn, ghiền món bò viên đến nỗi chỉ có ước mơ làm bà chủ quán bò viên-là chủ để trêu chọc mọi lúc mọi nơi cho Quý ròm ,dịu dàng, rất nhát gan kiểu con gái, điềm tĩnh nhưng chân tay lại vô cùng vụng về mà theo thống kê của Quý ròm thì “Hạnh đã đập vỡ tất cả là hai cái thẩu, sáu cái lọ, mười ba cái đĩa, hai mươi tám cái ly..”
Quý ròm: giỏi các môn Toán, Lý, Hóa vào loại thần đồng, đầu óc nhạy bén và thông minh, miệng lưỡi lắt léo, nói dối không chớp mắt, thích ba hoa, nhát gan chỉ thua nhỏ Hạnh. Người ta nói lắm tài thì nhiều tật, Quý ròm hẳn là đứa như vậy. Thông minh, thí nghiệm hay suy luận đều giỏi, ưa khám phá và có tình yêu thương bạn bè gia đình, Quý ròm lại cực kỳ nóng nảy và “lười chảy thây”. Giảng bài cho Tiểu Long, chưa quá ba câu đã gắt om sòm, bạn chưa kịp hiểu đã nổi khùng mắng, nhỏ Diệp-em gái hỏi bài thì chưa gì đã oang oang nói nó là “đồ ngốc tử”, nên dù giỏi, nhắc tới chuyện hỏi bài Quý ròm, hai đối tượng này chạy dài.
Tiểu Long: tên thật là Minh Long cơ, nhưng do giỏi võ và thần tượng Lý Tiểu Long nên cả lớp ( kể cả thầy cô để gọi là Tiểu Long).Thân hình to béo mạnh khỏe ( chứ không ròm như nhà ảo thuật Quý),rất giỏi võ(huyền đai đệ nhị đẳng Taekwondo) và có cái đầu cứng như sắt nhờ luyện “thiết đầu công”. Giỏi võ, nhanh nhẹn và biến hóa trong các thế võ bao nhiêu thì đầu óc Tiểu Long cho việc học chậm chạp, khù khờ bấy nhiêu. Học kém, thành ra rất sợ các thầy cô, thấy thầy cô đi đằng xa là tìm chỗ trốn. Gia đình Tiểu Long khó khăn hơn nhiều so với hai bạn thân là Quý ròm và nhỏ Hạnh, vì thế ngoài nỗi lo về học tập, Tiểu Long còn có thêm nỗi lo về cơm áo gạo tiền của cả nhà. Tiểu Long rất yêu thương em gái(như đã nói ở tập “Những Con Gấu Bông” và nhiều chi tiết rải rác trong truyện),tính tình khiêm tốn, hiền lành. Nhờ có Tiểu Long mà hai nhà thông thái nhưng nhát cáy đi đâu cũng yên tâm được bảo vệ.
Bằng lối viết đơn giản, tự nhiên, ngôn ngữ gần gũi dễ hiểu nhưng rất “văn học”, tác giả đã khiến cho biết bao thế hệ độc giả nhỏ tuổi (và thậm chí cả không còn nhỏ tuổi) của Việt Nam say sưa theo từng câu chuyện, từng lời đối đáp, lý luận, những trò nghịch ngợm, những lỗi lầm và những cuộc phiêu lưu “tỏ ra nguy hiểm” của 3 bạn nhỏ.
Tuy rằng bộ truyện rất thích hợp cho lứa tuổi độc giả cấp 2, cấp 3 nhưng nội dung và cách viết của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh lại không “trẻ con” một chút nào. Có thể nói là trẻ con đọc thì hiểu, mà người lớn đọc vẫn thích.
Đọc truyện Kính Vạn Hoa, bạn sẽ có những giây phút thư giãn và sảng khoái, và có khi là cả xúc động với những trò nghịch ngợm, suy nghĩ đậm chất học trò, những vụ đánh nhau, cãi vã, giận dỗi rất hồn nhiên, những tình bạn vô cùng đẹp và trong sáng. Có thể nói toàn bộ thế giới tuổi thơ của trẻ em Việt Nam được tái hiện một cách thực tế và sinh động nhất trong bộ truyện Kính Vạn Hoa của Nguyễn Nhật Ánh.
Nếu bạn đã qua thời trẻ con đó, khi đọc lại chắc hẳn bạn cũng sẽ thấy một chút bồi hồi khi nhớ lại tuổi thơ của mình. Nếu bạn đang có con hay cháu ở trong lứa tuổi đó, thì chắc chắn Kính Vạn Hoa nên là một trong những bộ truyện đầu tiên có mặt ở tủ sách của con bạn. Bởi vì những câu chuyện của Kính Vạn Hoa bao giờ cũng mang lại ý nghĩa và bài học một cách nhẹ nhàng và sâu sắc.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh quả không hổ danh là nhà văn của tuổi thơ và tuổi trẻ, khi mà cho dù tuổi của ông có thể tăng theo thời gian, nhưng cách viết văn của ông thì vẫn cứ mãi là dành cho tuổi trẻ như vậy.