Khi Đào, Phở Và Piano bất ngờ “đánh sập” website đặt vé, gây sốt toàn quốc thì khán giả mới biết trước đó đã có rất nhiều phim Việt về đề tài kháng chiến đã trở thành kinh điển, khắc họa rõ nét một thời chiến tranh bom đạn của dân tộc.
Những ngày qua, Đào, Phở Và Piano trở thành tâm điểm chú ý của những người yêu thích phim ảnh. Đây cũng là minh chứng cho thấy sức hút của các tác phẩm thuộc thể loại lịch sử – chiến tranh đối với khán giả. Tuy nhiên, ngoài dự án của đạo diễn Phi Tiến Sơn, điện ảnh Việt từ trước đến nay vốn cũng không thiếu những bộ phim khai thác đề tài kháng chiến cứu nước có chất lượng tốt, được nhiều người yêu thích.
Vĩ tuyến 17 ngày và đêm (1972)
- Đạo diễn: NSND Hải Ninh
- Sản xuất: Hãng phim truyện Việt Nam
- Tác giả: Hải Ninh, Hoàng Tích Chỉ
- Diễn viên: NSND Trà Giang, NSND Lâm Tới, Phi Nga, NSND Đoàn Dũng
- Quay phim: Nguyễn Xuân Chân
- Công chiếu: Tháng 7 năm 1973
- Thời lượng: 180 phút
Vĩ Tuyến 17, Ngày Và Đêm là một bộ phim khác của đạo diễn Hải Ninh, ra mắt khán giả lần đầu năm 1972. Kịch bản kể về cuộc đối đầu giữa nhân dân làng cát của một xã ven biển Gio Linh, do chị Dịu (Trà Giang) lãnh đạo, chống lại quân đội Việt Nam Cộng Hòa, do tên chỉ huy Trần Sùng (Lâm Tới) cầm đầu, ở bờ Nam của sông Bến Hải, ngay giới tuyến tạm thời chia cắt hai miền đất nước.
Tác phẩm được nhiều khán giả yêu thích với phần hình ảnh ấn tượng với hàng loạt đại cảnh hoành tráng. Đồng thời, nội dung phim được đánh giá vô cùng tinh tế khi xây dựng số phận của những con người nhỏ bé giữa chiến tranh, ở cả hai phía chính diện và phản diện.
Em Bé Hà Nội (1974)
- Đạo diễn: Hải Ninh
- Tác giả: Hoàng Tích Chỉ, Hải Ninh, Vương Đan Hoàn
- Diễn viên: Lan Hương, Thế Anh, Trà Giang, Kim Xuân, Quỳnh Anh, Hà Văn Trọng
- Công chiếu: 1974
- Thời lượng: 72 phút
Em bé Hà Nội do Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất năm 1974, NSND Hải Ninh làm đạo diễn. Bộ phim khắc họa cuộc sống của những người dân Hà Nội năm 1972, khi quân đội Mỹ tiến hành Chiến dịch Linebacker II, ném bom miền đánh phá miền bắc. Sau Giáng Sinh và đợt dội bom B52 của quân giặc, em bé 10 tuổi Ngọc Hà phải kiếm bố mẹ và em gái bị mất tích trong sự hoang tàn của thành phố. Cô bé đã được những người lính tốt bụng giúp đỡ và dần dần được hội ngộ em gái của mình.
Bao Giờ Cho Đến Tháng Mười (1984)
- Đạo diễn: Đặng Nhật Minh
- Sản xuất: Hãng phim truyện Việt Nam
- Tác giả: Đặng Nhật Minh
- Diễn viên: Lê Vân, Nguyễn Hữu Mười, Đặng Lưu Việt Bảo, Lại Phú Cường
- Công chiếu: 1984
- Thời lượng: 82 phút
Bao Giờ Cho Đến Tháng Mười do đạo diễn Đặng Nhật Minh chỉ đạo thực hiện, ra mắt lần đầu năm 1984. Bộ phim được đánh giá là một trong những tác phẩm kinh điển của nền điện ảnh Việt Nam. Đặc biệt, dự án từng được kênh truyền hình CNN tôn vinh là một trong 18 phim châu Á hay nhất mọi thời đại, sánh vai In The Mood For Love (Tâm trạng khi yêu) hay The Ballad of Narayama (Bài Ca Núi Narayama).
Bộ phim kể câu chuyện giản dị xoay quanh một bi kịch của những người dân Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh. Duyên (Lê Vân đóng) cất công lặn lội đi thăm chồng ở biên giới Tây Nam thì nhận được tin chồng chị đã hy sinh ngoài mặt trận. Khi trở về, cô giấu tin buồn vì sợ người cha đang ốm nặng suy sụp. Tuy nhiên, rắc rối đến với Duyên khi cô bị dân làng nghi ngờ có tình cảm ngoài luồng với người đàn ông khác khi chồng vắng nhà. Bằng sự dẫn dắt, gợi mở tinh tế, câu chuyện này chạm được cảm xúc công chúng và được nhiều thế hệ khán giả yêu mến, đón nhận.
Hà Nội Mùa Đông Năm 46 (1997)
- Thể loại: Dã sử, chiến tranh
- Kịch bản: Đặng Nhật Minh, Hoàng Nhuận Cầm
- Đạo diễn: Đặng Nhật Minh, Phạm Nhuệ Giang, Nguyễn Hữu Mười, Thái Ninh
- Ngôn ngữ: Tiếng Việt, Tiếng Pháp
- Biên tập: Nguyễn Kim Cương, Xuân Hòa
- Thời lượng: 95 phút
Đạo diễn Đặng Nhật Minh làm bộ phim về chân dung chủ tịch Hồ Chí Minh qua các sự kiện chính trị – xã hội nóng hổi mùa đông năm 1946 và nhất là cuộc đấu tranh ngoại giao vì hòa bình trong giai đoạn này. Đây cũng là dự án điện ảnh thứ 2 NSƯT Tiến Hợi vào vai Bác Hồ. Bộ phim sau đó đã gây được tiếng vang lớn tại nhiều Liên hoan phim trong nước và quốc tế.
Hà Nội 12 Ngày Đêm (2002)
- Đạo diễn: Bùi Đình Hạc
- Tác giả: Thiên Phúc, Hồ Phương, Hữu Mai, Chu Lai, Nguyễn Thị Hồng Ngát
- Diễn viên: Quốc Tuấn, Hoàng Nhật Mai, Xuân Tùng, Chiều Xuân, Mai Thu Huyền
- Công chiếu: 2002
- Thời lượng: 120 phút
Hà Nội 12 ngày đêm là một bộ phim của điện ảnh Việt Nam dưới sự chỉ đạo của đạo diễn Bùi Đình Hạc, với mục đích cố gắng khắc họa bối cảnh cuộc chiến đấu chống tập kích bằng máy bay B-52 đánh phá thủ đô Hà Nội và một vài tỉnh lân cận trong chiến dịch Linebacker II (18 – 30/12/1972). Bộ phim theo đuổi đề tài chiến tranh Cách mạng và đã giới thiệu được nghệ thuật làm phim cổ điển Việt Nam. Hà Nội 12 ngày đêm được thể hiện rất công phu với mục đích tái hiện một phần trận Điện Biên Phủ trên không – một cuộc chiến đấu ác liệt của nhân dân Hà Nội chống lại cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B-52 của đế quốc Mỹ vào cuối tháng 12 năm 1972, buộc Chính phủ Hoa Kỳ phải ký Hiệp định Paris đem lại hòa bình ở miền Bắc Việt Nam.
Đây là bộ phim truyện đầu tiên của Việt Nam được đầu tư lớn với những cảnh quay sử dụng kỹ xảo vi tính, âm thanh vòm lập thể, tạo hiệu quả hoành tráng. Khởi quay từ năm 1997, đến tháng 4 năm 1999 thì xong tất cả các cảnh ở Việt Nam, nhưng phải chờ làm kỹ xảo vi tính và âm thanh nên phải đến năm 2002 mới ra mắt. Đạo diễn Bùi Đình Hạc xúc động nói: “Để làm được phim này, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Để diễn tả lại cuộc chiến đấu giữa MiG-21 và B-52 thì phải có các cảnh quay trên không. Bối cảnh phim lớn như vậy không thể không quay kỹ xảo vi tính. Chỉ có 3 phút 38 giây kỹ xảo cảnh máy bay B-52 dàn trận đánh phá Hà Nội đã ngốn hết 620 triệu đồng !”.
Năm 2002, bộ phim đã đoạt Giải khuyến khích của Hội Điện ảnh Việt Nam dành cho kịch bản phim truyện xuất sắc nhất (tức là trước cả khi đóng máy). Năm 2003, bộ phim đã được giới thiệu tại nhiều Liên hoan phim có uy tín như LHP Fukuoka – Nhật Bản (đây là lần đầu tiên Hà Nội 12 ngày đêm được trình chiếu ở nước ngoài), LHP châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 48 tại Iran và LHP Quốc tế Cairo lần thứ 27.
Áo lụa Hà Đông (2006)
- Đạo diễn: Lưu Huỳnh
- Sản xuất: Lưu Huỳnh
- Tác giả: Lưu Huỳnh
- Kịch bản: Lưu Huỳnh
- Diễn viên: Trương Ngọc Ánh, Quốc Khánh, Nguyễn Thu Trang, Trần Thiên Tú, Đỗ Thu Hằng
- Công chiếu: 2006
- Thời lượng: 142 phút
- Kinh phí: 1 triệu USD
Áo Lụa Hà Đông lấy bối cảnh những năm 1954, khi miền bắc bị đàn áp bởi thực dân Pháp. Đôi vợ chồng Dần và Gù cũng theo dòng người di cư từ vào nam để đi tìm một tương lai tươi sáng hơn. Nhưng do đói khổ, lại vừa đúng lúc Dần hạ sinh đứa con đầu lòng, hai vợ chồng đành phải dừng chân tại Hội An.
Từ đó, họ gắn bó với mảnh đất này như quê hương thứ hai. Cuộc sống đáng lẽ cứ trôi đi bình yên như thế đến khi đứa con gái đầu lòng lớn lên, cần một chiếc áo dài để đến trường như các bạn. Không còn lựa chọn nào khác, cô phải nhận đi làm vú nuôi cho một ông già ốm yếu, bán chính dòng sữa của con để kiếm tiền trang trải cho gia đình. Gần 2 thập kỷ trôi qua, Áo lụa Hà Đông vẫn được những người yêu điện ảnh Việt Nam nhắc đến và yêu mến với ngôn ngữ điện ảnh và cách kể chuyện xuất sắc.
Áo lụa Hà Đông đạt được thành công lớn khi đạt 5 giải Cánh diều vàng 2006 cho: Phim truyện nhựa xuất sắc nhất; Quay phim xuất sắc: Trinh Hoan, Nguyễn Tranh; Âm thanh xuất sắc: Des O’Neill; Đạo diễn phim nhựa xuất sắc: Lưu Huỳnh; Nam diễn viên chính xuất sắc: Quốc Khánh. Liên hoan phim quốc tế Busan 2006: Giải bình chọn của khán giả dành cho đạo diễn Lưu Huỳnh, không những thế bộ phim còn đại diện cho điện ảnh Việt Nam tham dự đề cử giải Oscar cho phim ngoại ngữ hay nhất lần thứ 80.
Đừng đốt (2009)
- Đạo diễn: Đặng Nhật Minh
- Sản xuất: Nguyễn Thị Hồng Ngát
- Kịch bản: Đặng Nhật Minh
- Dựa trên: Nhật ký Đặng Thùy Trâm của Đặng Thùy Trâm
- Diễn viên: Minh Hương, Tina Dương, Ben Rindner
- Công chiếu: 2009
- Thời lượng: 100 phút
- Kinh phí: 11 tỷ VND
Đừng đốt (tựa Anh: Don’t Burn) là một bộ phim theo dòng chính kịch lịch sử được sản xuất vào năm 2009 do Đặng Nhật Minh đạo diễn và viết kịch bản. Dựa trên cuốn nhật ký nổi tiếng của nữ bác sĩ – liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, bộ phim đã tạo tiếng vang lớn khi công chiếu. Bộ phim đi sâu khai thác đời sống nội tâm sâu sắc, khắc họa rõ nét vẻ đẹp tâm hồn, lòng trắc ẩn của nữ bác sĩ quân y Đặng Thùy Trâm ( do diễn viên Minh Hương đảm nhiệm) đồng thời cũng chính là vẻ đẹp tinh thần và bản lĩnh chiến đấu của lớp thanh niên Việt Nam. Ngoài ra bộ phim còn thể hiện lòng bao dung của con người Việt Nam, chứng minh tình yêu thương xóa nhòa vết thương lịch sử. Đừng đốt, trong đó đã có lửa là một bộ phim chân thực, dung dị nhưng chứa đựng tính dân tộc lớn lao và mạnh mẽ.
Phim ra mắt tại Liên hoan Phim Fukuoka lần thứ 19 tại Nhật Bản và giành giải khán giả bình chọn. Bộ phim được phát hành cuối tháng 4 năm 2009 tại Việt Nam và được chiếu ở Liên hoan Phim Quốc tế ASEM tại Hà Nội giữa tháng 5 năm 2009. Đừng đốt đã giành được giải Bông Sen Vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 16 năm 2009 và chiến thắng 6 hạng mục của giải Cánh Diều Vàng năm 2010 bao gồm Phim nhựa xuất sắc nhất, Nữ diễn viên chính xuất sắc (Minh Hương), Đạo diễn xuất sắc (Nghệ sĩ Nhân dân Đặng Nhật Minh), Họa sĩ xuất sắc (Nghệ sĩ ưu tú Phạm Quốc Trung), Âm thanh xuất sắc (Nghệ sĩ ưu tú Bành Bắc Hải) và Giải phim khán giả bình chọn. Đây cũng là bộ phim được chọn để tham dự giải Oscar.
Mùi Cỏ Cháy (2012)
- Đạo diễn: Nguyễn Hữu Mười
- Kịch bản: Hoàng Nhuận Cầm
- Dựa trên: Mãi mãi tuổi hai mươi của Nguyễn Văn Thạc
- Diễn viên: Nguyễn Năng Tùng, Lê Văn Thơm, Tô Tuấn Dũng, Nguyễn Thanh Sơn, Lê Chí Kiên
- Công chiếu: 24 tháng 4 năm 2012 (Việt Nam)
- Thời lượng: 97 phút
- Kinh phí: 5,2 tỷ VND
Mùi Cỏ Cháy là một trong những bộ phim đầu tiên và tái hiện chân thực nhất về 81 ngày đêm chiến đấu của quân đội Việt Nam tại Thành cổ Quảng Trị – nơi được mệnh danh là “cối xay thịt người”. Bối cảnh chính là sự kiện Mùa hè đỏ lửa 1972, theo chân bốn chàng sinh viên trường đại học Tổng hợp Hà Nội là: Hoàng, Thành, Thăng, Long. Họ theo lệnh tổng động viên lên đường nhập ngũ năm 1971, được huấn luyện tốc hành và sau cùng đã tham gia chiến đấu tại Thành cổ Quảng Trị năm 1972.
Tuổi trẻ của họ bị chôn vùi giữa bom đạn, khói lửa chiến tranh. Tại đây, Thành, Thăng, Long đã hi sinh còn Hoàng thì may mắn sống sót trở về. Bộ phim được kể lại từ ký ức của Hoàng, khi ông thăm lại chiến trường xưa. Mùi Cỏ Cháy đã được trao 4 giải Cánh diều vàng và được chọn đại diện cho Việt Nam đi tranh tài tại Oscar 2013.
Những Người Viết Huyền Thoại (2013)
- Đạo diễn: Bùi Tuấn Dũng
- Tác giả: Nguyễn Anh Dũng
- Diễn viên: Trương Minh Quốc Thái, Tăng Bảo Quyên, NSƯT Hoàng Hải
- Công chiếu: 2013
- Thời lượng: 100 phút
- Kinh phí: 10 tỷ VND
Phim lấy bối cảnh cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước thời kỳ những năm 1960. Lúc đó, nhu cầu chi viện xăng dầu vào chiến trường miền nam ngày càng cấp bách, những người bộ đội đã vượt qua muôn vàn gian khổ và hiểm nguy để xây dựng tuyến đường ống dài hơn 5000 km, cùng hệ thống 100 kho chứa chạy suốt từ bắc vào nam. Kịch bản xây dựng nhân vật tướng Dinh dựa trên nguyên mẫu là Thượng tướng Đinh Đức Thiện và đoàn 559 trong công cuộc xây thực hiện nhiệm vụ tưởng như bất khả thi này.
Với bàn tay của đạo diễn trẻ nhưng có kinh nghiệm làm phim chiến tranh Bùi Tuấn Dũng, nhà biên kịch “cứng” tay Nguyễn Anh Dũng, và giám đốc hình ảnh là tay máy kỳ cựu Lý Thái Dũng, Những Người Viết Huyền Thoại được đánh giá là một sản phẩm tốt về cả nội dung và kỹ thuật hình ảnh. Phim có nhiều góc quay vô cùng ấn tượng, như cảnh những chiếc xe nối đuôi nhau vào chiến trường miền nam, máy quay lia từ dưới gầm xe, cảnh truy đuổi và chiến đấu giữa các chiến sĩ ta và địch quay từ trên cao, hay cảnh pháo dồn dập bắn khắp nơi…
Đào, Phở và Piano
- Thể loại: Phim chiến tranh, tâm lý
- Đạo diễn: Phi Tiến Sơn
- Diễn viên: Doãn Quốc Đam, Thùy Linh, NSƯT Trần Lực, Thiện Hùng, ca sĩ Tuấn Hưng, NSND Trung Hiếu, nghệ sĩ Anh Tuấn…
- Khởi chiếu: 10/2/2024
- Rạp chiếu: Trung tâm Chiếu phim Quốc gia
Đào, phở và piano lấy cảm hứng từ cuộc chiến 60 ngày đêm vào cuối năm 1946, đầu năm 1947 của quân dân Hà Nội. Trong những trận đánh cuối cùng trước khi quân ta rút khỏi Hà Nội năm 1947 lên chiến khu, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến trường kỳ, một số người vẫn chọn ở lại chiến lũy.
Họ, có tên hoặc không có tên, cùng nhau kể một câu chuyện bi tráng mà không kém phần lãng mạn về “tâm hồn Hà Nội” trong khói lửa.
Đó là một cảm tử quân (Doãn Quốc Đam đóng) băng qua lửa đạn để mang về một cành hoa mùa xuân bởi “ngoài chiến lũy cũng thèm một cành đào đẹp”. Anh có một đám cưới cảm động với tiểu thư xinh đẹp Hà thành (Cao Thùy Linh đóng) giữa một Hà Nội đổ nát. Họ trèo tít lên cao để ngắm nhìn thành phố của họ trong đêm hạnh phúc cuối cùng (17-2-1947).
Có mặt trong lễ cưới là một họa sĩ già (NSƯT Trần Lực đóng) ở lại để hương khói cho những người đã hy sinh. Ông có một bức tranh cần hoàn thành và một vị linh mục (NSND Trung Hiếu đóng) “không muốn chiến tranh”, “cần yên bình”. Hai người đã cùng ăn phở, nói về nghệ thuật, uống rượu vì ngày mới – ngày “tận hiến”.
Đó là một cậu bé đánh giày mơ yên vui ngày cũ, hãnh diện đội chiếc mũ cảm tử quân trên đầu; một ông phán Tây học (ca sĩ Tuấn Hưng đóng) mê ca trù theo đuổi chủ nghĩa lãng mạn đến tận cùng.
Và hai vợ chồng hàng phở (Anh Tuấn và Nguyệt Hằng thủ vai) nấn ná chưa đi vì muốn nấu cho anh em chiến lũy bát phở. Thời buổi chiến loạn, họ vẫn chờ một nắm hành thơm Nhật Tân cho đủ vị, thong thả xay bột bằng cối đá, tráng bánh phở, chờ miếng nạm nhừ.