Lost in Translation (tạm dịch: Lạc Lối ở Tokyo) không phải là một bộ phim hành động hay giật gân nhưng vẫn khiến người xem không khỏi rời ghế bởi những phút giây đầy tính chiêm nghiệm về nỗi cô đơn. Dù ra mắt gần 20 năm về trước, có thể nói, tác phẩm cho đến nay vẫn luôn xuất hiện trong danh sách phim yêu thích nhất mọi thời đại của rất nhiều mọt phim.
Thông tin về phim Lost in Translation
- Đạo diễn: Sofia Coppola
- Diễn viên: Bill Murray, Scarlett Johansson, Giovanni Ribisi …
- Năm sản xuất: 2003
- Thể loại: Tâm lý, drama chính kịch, …
- Giới hạn độ tuổi: R
- Quốc gia: Âu Mỹ, Nhật Bản
- Thời lượng: 102 phút
- Điểm IMDb: 7.7/10
của phim Lost in Translation
Lost in Translation – Lạc Lối ở Tokyo là bộ phim xoay quanh một ngôi sao điện ảnh ngấp nghé tuổi 50 đang dần hết thời và một người phụ nữ trẻ. Cả hai người họ bắt gặp nhau trong một khách sạn nằm tại thủ đô Tokyo của Nhật Bản và bất chợt nảy sinh một sợi dây kết nối nơi đất khách quê người.
Trailer phim Lost in Translation
Cô đơn là như thế nào?
Lost in Translation quả thực là một món quà mang ý nghĩa vô cùng to lớn kèm theo một giá trị tinh thần lâu dài mà vị đạo diễn tài ba – Sofia Coppola đã gửi gắm tới những tất cả những ai luôn cảm thấy cô đơn và mất phương hướng trên đường đời.
Tác phẩm xoáy vào nỗi cô đơn vô hạn của hai nhân vật là Bob (Bill Murray thủ vai) và Charlotte (Scarlett Johansson thủ vai). Bob là một diễn viên nổi tiếng đang ở độ tuổi xế chiều, ông được mới tới Nhật Bản để làm gương mặt đại diện cho một hãng rượu. Còn Charlotte thì là một cô gái xinh xắn ở độ tuổi đôi mươi, mới tốt nghiệp ngành Triết và theo người chồng của mình là một “phó nháy” sang Tokyo để làm việc. Mối quan hệ giữa hai cá thể này bắt nguồn từ những lần va chạm hay những cái nhìn rất chi là tình cờ tại khắp nơi trong khách sạn mà họ ở.
Cả hai nhân vật đều trải qua khủng hoảng riêng. Trong khi Bob rơi vào vực sâu mang tên khủng hoảng tuổi trung niên, Charlotte lại chơi vơi trong khủng hoảng tuổi 20. Thật vậy, họ dường như thậm chí không thể định hình nổi cảm xúc của chính mình. Giờ đây chỉ còn lại sự trống rỗng xâm chiếm lấy toàn bộ thể xác và tinh thần.
Mỗi người cứ thế tự gặm nhấm sự cô đơn, những trăn trở, khúc mắc về cuộc sống của bản thân cho đến khi họ thực sự ngồi trò chuyện với nhau. Tuy nhiên, những cuộc trò chuyện đó cũng không kéo dài là bao lâu. Đôi lúc họ chỉ đơn giản liếc nhìn nhau một cách thoáng qua hoặc cùng nhau đắm mình trong bầu không khí tĩnh lặng đến lạ kỳ.
Có lẽ đối với Bob và Charlotte, như thế cũng là quá đủ để sẻ chia phần nào được nỗi cô đơn rồi. Xuyên suốt phim là sự cảm thông, sự bày tỏ nỗi lòng của hai tâm hồn đồng điệu nhưng lại bị tách biệt với xã hội ngoài kia. Sự chán chường, mệt mỏi của Bob thể hiện rất rõ qua cặp mắt, Bob dần cảm thấy cuộc đời thật vô vị vì mối quan hệ của ông và vợ không còn nồng cháy như xưa nữa, và những đứa con thì hời hợt.
Charlotte còn rất trẻ, nên việc cảm thấy lạc lối, không biết trước được tương lai sau này của mình sẽ ra sao cũng là điều dễ hiểu, nhưng bên cạnh đó thì yếu tố góp phần khiến cho cô trở nên mông lung hơn chính là người chồng quanh năm ngày tháng chỉ biết đâm đầu vào công việc mà dường như phớt lờ đi sự hiện hữu của vợ mình. Hàng ngày cô nàng chỉ biết đeo headphone, ngồi trầm tư dựa vào cửa sổ, nhìn xa xăm và vô định.
Như chúng ta đều biết, bối cảnh là một yếu tố đóng vai trò rất quan trọng trong điện ảnh. Do đó, không thể không nhắc đến hình ảnh Tokyo náo nhiệt, nhộn nhịp, những ánh đèn neon lóe sáng, những tòa nhà chọc trời hay thậm chí là sự bất đồng ngôn ngữ, tất cả cùng đem đến sự lạnh lẽo và lạc lõng tới người xem một cách chân thật nhất. Vậy mới biết ta nhỏ bé đến nhường nào giữa dòng đời tấp nập này?
Bill Murray, Scarlett Johansson và Sofia Coppola: Bộ ba thần thánh
Sự thành công của bộ phim không chỉ đến từ tài đạo diễn của Sofia Coppola mà còn là từ diễn xuất tuyệt vời của Bill Murray và Scarlett Johansson. Sự kết hợp đầy ăn ý của họ là một điều không thể chối cãi. Họ đã xoáy vào tâm can người xem và bất chợt khiến nỗi cô đơn trong mỗi chúng ta tỉnh giấc. Không chỉ vậy, có những giây phút mà ta cảm giác như họ chính là hiện thân của nỗi cô đơn vậy. Nỗi cô đơn ở đây tuy vô hình mà hữu hình.
Bộ phim đã giúp Sofia Coppola giật giải Kịch bản gốc xuất sắc nhất tại Lễ trao giải Oscar năm 2004. Không chỉ vậy, Sofia còn được vinh danh là nữ đạo diễn đầu tiên được nhận đề cử liên quan tới khâu sản xuất, đạo diễn và biên kịch trong cùng 1 năm. Bên cạnh đó, Lost in Translation cũng thu về 3 đề cử danh giá khác, bao gồm: Phim xuất sắc nhất, Nam diễn viên chính xuất sắc nhất cho Bill Murray và Đạo diễn xuất sắc nhất.
Vậy còn cảm nghĩ của bạn về Lost in Translation như thế nào? Hãy chia sẻ cho BlogAnChoi biết nhé!
Ngoài ra những bài viết khác cùng chủ đề bạn có thể quan tâm như:
- 22 phim đoạt giải Oscar hay, xuất sắc nhất mọi thời đại, bạn đã xem chưa?
- Scarlett Johansson trở thành “Nữ hoàng phòng vé” Mỹ
- 10 bộ phim buồn kinh điển dành cho những ngày ảm đảm muốn khóc
Và đừng quên theo dõi BlogAnChoi để cập nhật thêm nhiều thông tin thú vị khác!