Girl From Nowhere 2 hiện đang là bộ phim hot trên Netflix, được khán giả rất quan tâm bởi sự trở lại của “cô gái đến từ hư vô” Nanno cùng đối thủ mới của cô nàng. Hãy cùng BlogAnChoi “thông não” về những điều rất “hư vô” mơ hồ của season 2 này nhé.
CẢNH BÁO: Bài viết có spoil nội dung phim, bạn nên cân nhắc trước khi đọc.
Thông tin phim Girl From Nowhere 2
- Điểm IMDb: 7.7/10
- Thể loại: Tội phạm, học đường, giật gân, kinh dị, viễn tưởng
- Giới hạn tuổi: 18+
- Đạo diễn: Golf Paween, Est Komgrit, Pokpong Pairach, DomSitisiri Mongkolsiri, Jatuphong
- Diễn viên: Kitty Chicha Amatayakul, James Teeradon, Nont Sadanont, Tai Penpak Sirikul, Patricia Tanchanok Good, Nink Chanya McClory…
- Khởi chiếu: 7/5/2021 – season 2
- Số tập: 8 tập
- Thời lượng: 45 phút/tập
- Link phim Netflix: Bạn có thể xem phim trên Netflix tại đây
Nội dung phim Girl From Nowhere 2
Tiếp nối những màn trả thù ở season 1, Girl From Nowhere season 2 (Cô Gái Đến Từ Hư Vô) theo bước chân Nanno đến với các ngôi trường khác nhau, tìm hiểu về những vấn đề của ngôi trường đó và bóc trần nó, đưa ra ánh sáng hoặc trừng phạt những kẻ có tội.
Ở Girl From Nowhere season 2 này, Nanno sẽ không đơn độc, mà sẽ có một “đối thủ đồng hành” với cô nàng, tham gia vào kế hoạch trả thù của Nanno, hoặc góp công, hoặc phá hoại. Và phần 2 của bộ phim cũng tiết lộ một bí mật lớn nhất của Nanno, có thể khiến cô nàng mất đi năng lực cùng sự bất tử của mình.
Review Girl From Nowhere 2: Dịu dàng ngỡ ngàng, không kinh nhưng rất dị!
Trailer phim Girl From Nowhere 2
Đối thủ của Nanno từ đâu mà đến?
Điều mà khán giả tò mò và mong chờ nhiều nhất ở Girl From Nowhere season 2 là “đối thủ” của Nanno là ai? Cô ta từ đâu mà đến, hoặc từ đâu mà sinh ra? Cô ta sẽ có vai trò gì trong những kế hoạch trả thù của Nanno?
Vào phim, cuối tập 1 thì đối thủ của Nanno đã lần đầu lộ diện bằng chi tiết chiếc dây ruy băng màu đỏ cùng dòng chữ viết bằng máu: “Hẹn sớm gặp lại!”. Đến tập 2 thì cô nàng tiếp tục xuất hiện ở cuối tập, với hình hài của một nữ sinh cột tóc đuôi ngựa, đặc trưng là sợi ruy băng đỏ và “phù hợp” với Nanno qua đánh giá của ứng dụng hẹn hò “True love”.
Đến tập 3, không còn xuất quỷ nhập thần nữa, tiếng thang máy vang lên sau lưng Nanno cùng lời chào đầy thân thiện: “Lại gặp nhau rồi, Nanno”. Và Nanno cũng chẳng hề ngạc nhiên, giống như cô nàng đã biết trước sự tồn tại của một người giống mình, vì vậy chỉ mỉm cười: “Xin chào Yuri!”.
Nhưng phải đến hết tập 4, những người tinh ý nhất mới nhận ra lý do để Yuri xuất hiện và trở thành một “đứa con của quỷ” giống Nanno, đó chính là nhờ máu của Nanno đã hồi sinh cô ta, cho cô ta sức mạnh bất tử. Nói như Yuri thì Nanno giống như “mẹ” của cô ta vậy.
Thế nên ở tập cuối cùng, Yuri đã nói ra kế hoạch vĩ đại nhất của mình, đó chính là dùng máu của cô ta để biến tất cả loài người thành những “đứa con của quỷ”, để họ có được sức mạnh giống nhau, không còn ai đặc biệt như Nanno nữa, để thế giới này tự phán xét, tự trừng phạt những kẻ có tội, không cần bọn họ phải nhọc công nữa.
Sau khi xem xong, bạn sẽ thấy ngay từ intro giới thiệu phim đã thể hiện rất rõ lý do Yuri – đối thủ của Nanno được sinh ra:
Girl From Nowhere 2: “Hư vô” hay hư cấu đến vô lý?
Một điều mà nhiều khán giả xem Girl From Nowhere 2 thắc mắc đó là phim có quá nhiều lỗ hổng đến mức phi logic, đặc biệt là việc những kẻ giết người thoát tội quá dễ dàng.
Như tập 1 của phim, nam sinh “ba la bum” vô tội vạ khiến hàng chục nữ sinh có bầu rồi phá thai, thậm chí có nữ sinh còn vác bụng bầu đi học, nhưng cả trường vẫn dường như không hề hay biết. Ngay cả Nanno cũng thắc mắc: “Nhà trường để yên sao?” thì được giải thích bằng 1 câu: “Vì cậu ta là học sinh gương mẫu”. Nếu ở đời thực thì có thể như vậy được sao?
Điển hình nhất là tập 5, khi tên đàn anh tiền bối đánh chết Nanno trước sự chứng kiến của hàng chục người, nhưng chỉ chuyển cảnh một cái là hắn vẫn nhơn nhơn, vô tư chuyển đến trường khác mà chẳng hề có chút lo sợ. Khán giả cảm thấy phim làm như vậy là quá phi logic rồi, chẳng lẽ ông hiệu trưởng có thể 1 tay che trời, chỉ cần nói: “Tôi sẽ che giấu giúp em” là mọi chuyện đều êm đẹp sao?
Hoặc người mẹ vì bao che cho con mà giấu đến 4-5 cái xác trong nhà mình hàng tháng trời không bị phát hiện, chỉ bằng việc đổ muối vào ngâm? Đã vậy, 4-5 người mất tích nhưng không ai tìm kiếm, cảnh sát không điều tra, gia đình nạn nhân không nghi ngờ?
Có lẽ tất cả mọi thắc mắc này đều được giải đáp bằng thể loại phim: khoa học viễn tưởng. Một cô gái bị đâm chém chôn chết cả trăm lần vẫn quay lại tươi cười: “Xin chào, Nanno đây”, thì những việc vô lý kia có là gì. Nhiều khán giả thì cho rằng có lẽ đó là do sự sắp xếp của Nanno, để những kẻ giết người chịu sự trừng phạt cuối cùng đích đáng nhất mà pháp luật không thể thực hiện được.
Hơn thế nữa, khán giả cũng cảm thấy Girl From Nowhere 2 hơi làm quá với những tình tiết trong phim. Ngoài đời làm gì đàn anh nào lại có thể bắt nạt tân sinh viên đến mức bắt lột đồ, bò bốn chân thành con rết hình người? Hay chỉ vì 1 câu nói của Yuri mà cả đám như phát điên, lao vào đánh người đến chết? Thậm chí dù có là giáo viên độc tài đến đâu, cũng không thể…rút lưỡi học sinh rồi cười sảng khoái như vậy chứ?
Nếu nghiêm túc xem phim, khán giả sẽ thấy Girl From Nowhere từ season 1 đến season 2 đều khá…vô lý. Giống như biên kịch làm mọi cách để Nanno có cớ trừng phạt những kẻ xấu xa kia vậy. Ví dụ như Nanno chỉ cười (dù tiếng cười hơi điên dại) nhưng cũng bị bóp cổ hoặc đánh đến rơi cả 2 mắt, hay như việc chống đối giáo viên thì bị rút lưỡi, học sinh phản đối giáo viên thì hiệu trưởng rút súng bắn loạn xạ…
Vẫn biết rằng dạng phim kinh dị viễn tưởng thì mọi thứ đôi khi sẽ bị làm quá đến mức phi lý, phi thực tế, nhưng đẩy mâu thuẫn đến mức không tưởng như Girl From Nowhere 2 thì nhiều khán giả cũng cảm thấy hơi khó theo dõi.
Nanno vs Yuri: Sự răn đe hay Trừng phạt sẽ tốt hơn?
Tuy nhiên, một điểm cộng của Girl From Nowhere là dù tình tiết hư cấu phi lý hay nội dung bạo lực quá đà, thì ý nghĩa mà các tập phim truyền tải cũng rất rõ ràng, có tính cảnh tỉnh, răn đe cao. Bởi vì con người ghi nhớ nỗi sợ tốt hơn là niềm vui, nên sự đe dọa sẽ có tác dụng lớn hơn những lời khuyên nhủ – đó chính là mục đích của Nanno trong Girl From Nowhere.
Nanno ở phần 2 này có vẻ “dịu dàng” và lý trí hơn so với phần 1. Ở 2 tập đầu, Nanno chọn những cách khá nhân văn (dù hơi quái dị) để khiến con người nhận ra điều sai của mình. Như cậu nam sinh khiến hàng chục nữ sinh mang bầu rồi phủi sạch trách nhiệm thì sau đó phải tự trải nghiệm tất cả những nỗi sợ hãi, lo lắng, nhục nhã và đau đớn đó khi bản thân cậu ta mang bầu. Hay như cô giáo luôn sợ hãi “tình yêu” như một thứ xấu xa, cuối cùng lại tìm được tình yêu chân thành của chính mình.
Hoặc như đàn anh bạo lực, độc ác luôn bắt nạt đàn em Nanno, sau đó lại bị chính Nanno hành hạ lại đến mức khóc lóc cầu xin tha thứ. Nếu như không phải Yuri độc ác đến mức giết con chó Lucky để đổ tội cho cậu ta, có lẽ Nanno sẽ chỉ dừng lại ở việc nhốt tên đàn anh đó vào chuồng mà thôi, để cậu ta học được bài học về sự bắt nạt.
Còn Yuri – “đứa con ngoài mong muốn” của Nanno thì lại có lối tư duy trừng phạt triệt để đến mức méo mó. Nanno chỉ muốn đe dọa cô nàng gây tai nạn giao thông bỏ trốn, để cô ta biết hối lỗi mà tự thú, nhưng Yuri lại bày trò khiến cô ta sợ hãi đến mức tự sát. Nanno chỉ muốn dạy bảo tên đàn anh một trận về tác hại của việc bắt nạt đàn em, Yuri nhẫn tâm kích động đám sinh viên điên cuồng đánh cậu ta đến chết.
Đến tập 8, Yuri đã thể hiện rõ tam quan méo mó của mình khi hỏi Nanno về việc phân định giữ đứa con giết người làm thú vui hay người mẹ vì thương con mà bao che tội lỗi – ai là kẻ đáng chết hơn. Nanno không nói, nhưng hành động ngăn cản đứa con của cô đã chứng minh Nanno có lý trí và trái tim, cô vẫn biết phân biệt thiện ác đúng sai. Và dù bị người mẹ mù quáng giết chết, Nanno vẫn giữ được năng lực bất tử của mình, vì cuối cùng cô vẫn tin tưởng vào ý nghĩa công việc mà bản thân đang thực hiện.
Tổng kết
Girl From Nowhere 2 là một bộ phim kin dị viễn tưởng nhiều lỗ hổng, nhiều điều vô lý và phi logic, nhưng nếu bạn đã quyết định xem, hãy chắt lọc những tinh hoa mà phim muốn truyền tải. Đó là những giá trị của cuộc sống, những bài học đắt giá nếu không cẩn thận sẽ phải trả bằng cả tương lai, hoặc tính mạng của bản thân.
Giống như cô con gái hot face cứ nghĩ bố mẹ bóc lột mình, muốn chối bỏ tất cả, muốn tự do, để rồi đến khi mất đi tất cả mới ra gia đình vẫn là điều tồn tại cuối cùng và duy nhất.
Giống như việc bắt nạt, bạo lực học đường, khi bạn là kẻ bắt nạt thì bạn rất vui, cười rất sảng khoái. Nhưng nếu đổi lại, một ngày kia chính bạn là kẻ bị đạp dưới đế giày của những kẻ bắt nạt, bạn sẽ khốn khổ cùng cực.
Giống như việc làm sai nhưng không muốn chịu trách nhiệm, nỗi ám ảnh tội lỗi ấy sẽ dày vò bạn suốt đời, và có lẽ một lúc nào đó, hậu quả bạn phải gánh chịu sẽ lớn gấp trăm lần…
Giống như bạn luôn tin tưởng vào những điều bản thân đang làm là đúng đắn, nhưng điều đó có đúng đắn thật không, thì luôn cần có sự đánh giá và kiểm chứng để bạn không sa ngã vào con đường sai lầm, tội lỗi. Ở đây, sự kiểm chứng của Nanno chính là Yuri, để Nanno xác định hướng đi đúng cho sự răn đe, giáo dục loài người của mình.
Cuối cùng, Girl From Nowhere 2 là một bộ phim nhiều lớp nghĩa, đáng xem và đáng suy ngẫm, nếu có thời gian, bạn hãy xem phim nhé! Phim đã full 8 tập trên Netflix!
Một số tựa phim khác có thể bạn muốn xem: