Để biết Hoa Mộc Lan 2020 (Mulan live-action) tốt hay dở, có đáng với điểm số cao hơn TENET không, hãy so sánh với bản gốc hoạt hình Hoa Mộc Lan 1998 nhé.
của Mulan 2020
- Rotten Tomatoes: 7,9/10
- IMDb: 5,6/10
- Metacritic: 68/100
- Đạo diễn: Niki Caro
- Diễn viên: Lưu Diệc Phi, Củng Lợi, Chân Tử Đan, Jason Scott Lee, Lý Liên Kiệt, Mã Thái…
- Thể loại: Hành động, Phiêu lưu, Chính kịch.
- Độ tuổi: 13+
- Thời lượng: 1 giờ 55 phút
- Ngày chiếu: 04/09/2020 (nền tảng Disney+)
Xuất phát từ truyện thơ về nữ anh hùng Mộc Lan giả trai thay cha vào quân đội chiến đấu, hãng Disney đã cho ra mắt phiên bản hoạt hình Mộc Lan (1998). Lần nãy, hãng đã đầu tư kinh phí đến 200 triệu USD để làm phiên bản live-action.
Câu chuyện của Mộc Lan không chỉ là cuộc hành trình báo hiếu của cô gái trẻ giữa một xã hội “trọng nam khinh nữ” mà còn thể hiện mưu trí chiến đấu đánh đuổi quân xâm lăng, bảo vệ bờ cõi Trung Hoa. Đây là chất sử thi dân tộc toát lên từ câu chuyện của một cá nhân.
Phim công bố ý tưởng từ năm 2015 nhưng đến năm 2020 mới có kế hoạch phát hành. Nữ đạo diễn Niki Caro đã casting hơn 1000 diễn viên trước khi lựa chọn Lưu Diệc Phi vào vai nữ chính. Ekip cũng lặn lội từ Trung Quốc đến New Zeanland để lựa chọn cảnh quay.
Hoa Mộc Lan 2020 “thay máu” gần hết tuyến nhân vật
Dựa trên phiên bản gốc nhưng Mộc Lan của Lưu Diệc Phi có bước thay đổi lớn về nhân vật. Những người bạn đồng hành cùng Mộc Lan trên đường ra chiến trận là rồng Mushu và dế Lucky đã hoàn toàn “bốc hơi”. Có lẽ vì tạo hình đậm chất hoạt hình với những cử chỉ nhí nhố và các câu bông đùa quá đà, hai người bạn nhỏ này trở thành lựa chọn không hề phù hợp với live-action. Ngay khi vừa công bố trailer, phim đã vấp phải ý kiến cho rằng: Mộc Lan thiếu Mushu thì còn gọi gì là Mộc Lan?
Hiện thân của tổ tiên nhà Mộc Lan dưới lốt linh hồn với những phân đoạn bàn luận, tranh cãi, ăn mừng vô cùng hài hước cũng không còn. Hình ảnh tổ tiên chỉ còn nằm trên những câu thoại, điều này cũng có mặt lợi vì thực tế con người luôn khắc cốt ghi tâm lời dạy của tổ tiên thay vì tận mắt chứng kiến họ “sống dậy” như phiên bản hoạt hình.
Những thành viên trong gia đình Mộc Lan cũng thay đổi đáng kể. Gia đình cô vẫn gồm 1 người đàn ông và 3 người phụ nữ. Nhưng người bà đã được thay thế bằng em gái Mộc Lan. Điều này tạo ra một số đối sánh rất thú vị. Mộc Lan sống theo cách của Mộc Lan. Còn cô em gái sống theo cách mà chế độ phong kiến mong muốn. Trong gia đình phong kiến không có con trai nối dõi mà có tận hai cô con gái, hình ảnh người bố bình thản không ngại dèm pha và luôn giữ thái độ tôn trọng con cái càng được nhấn mạnh sáng rõ.
Đội hình quân đội cũng xáo trộn. Chỉ huy Lý Tường đầy sức sống trai trẻ nhường chỗ cho tướng quân Đường già dặn hơn do Chân Tử Đan thủ vai. Với lối lãnh đạo cương nhu kết hợp và luôn lắng nghe cấp dưới trong mọi tình huống, tướng Đường toát nhuệ khí của người cầm đầu cánh quân.
Ba chàng lính mỗi người một tính là A Ninh, Kim Bảo, Tứ Phúc vẫn được giữ nguyên trong đội hình nhưng cá tính của họ không nổi bật bằng phiên bản gốc. Chen vào giữa hàng ngũ có thêm Hồng Huy – chính là phiên bản “giáng cấp” của Lý Tường đã “liếc mắt đưa tình” với Mộc Lan xuyên suốt cả phim.
Nếu như Lý Tường luôn trăn trở làm sao để thoát khỏi cái bóng chỉ huy của người cha thì Hồng Huy lại không được đầu tư xây dựng nỗi suy tư, khiến anh trở nên khô cứng và thiếu cá tính. Khán giả tự đặt ra câu hỏi, liệu Mộc Lan có cần tri kỷ như Hồng Huy?
Do đã chuyển từ mối quan hệ cấp trên – cấp dưới thành đồng đội nên sự gắn bó giữa họ phần lớn được chuyển về thông điệp bảo vệ lẫn nhau trong trận chiến. Tuy nhiên tình đồng đội này chưa thật sự thuyết phục khán giả vì thiếu tương tác trong khi luyện tập, sinh hoạt, họ chỉ thật sự chứng tỏ sống chết vì nhau trong phân cảnh chiến đấu.
Điểm sáng tạo đáng khen gợi nhất dành cho Mộc Lan live-action là bổ sung nhân vật Tiên Nương vốn dĩ chỉ là cánh chim đậu trên vai phản diện Thiền Vu trong phiên bản gốc. Tiên Nương do Củng Lợi thủ vai sở hữu sức mạnh thần bí và bị khinh biệt coi là phù thủy. Chất nữ quyền trải đều từ nhân vật chính diện đến phản diện khiến phim trở nên đồng cảm với phụ nữ hơn bao giờ hết. Sự chuyển mình trong diễn biến tâm lý của Tiên Nương ở phân đoạn cao trào là “nước đi” hay của biên kịch.
Sau 22 năm, Hoa Mộc Lan 2020 thay đổi là điều cần thiết
Nếu như Mộc Lan của phiên bản hoạt hình 1998 chỉ đơn thuần là cô nàng giả trai đi lính vì đạo hiếu, luyện tập bền bỉ mới đủ sức mạnh chiến đấu thì đến với Mộc Lan 2020, cô vốn đã sở hữu sức mạnh vô song khi vừa mới sinh ra và có sứ mệnh làm chiến binh anh hùng.
Trong phim, tố chất Mộc Lan sở hữu được gọi là “Khí”, chỉ khi cô thật sự công nhận con người thật của mình thì “Khí” mới phát huy tối đa tiềm lực. “Khí” trong quan niệm phương Đông đại diện cho bản chất nguồn cội của tinh hoa vạn vật.
Từ đây, khán giả dễ thấy Mộc Lan tương đồng với Captain Marvel và Dark Phoenix. Điều này trở thành con dao hai lưỡi, hình tượng Mộc Lan đã bị “siêu anh hùng hóa” không còn gần gũi như trong hình mẫu dân gian. Nhưng lại là bước đệm quan trọng để khi đối sánh với Tiên Nương (nhân vật phản diện cũng sở hữu sức mạnh hiếm có), khán giả trẻ tuổi sẽ rút ra bài học về cách sử dụng tài năng sao cho đúng đắn, đi đường sáng hay đi đường tối phụ thuộc vào lựa chọn của mỗi người.
Cái kết của Mộc Lan phiên bản cũ mở ra “happy ending” khi xuất hiện Lý Tường đến chơi nhà – như một dấu hiệu “yên bề gia thất” sau khi nữ nhi đã báo hiếu cha và cứu cả triều đình. Nhưng với Mộc Lan 2020, lời ngỏ ý của nhà vua mời gia nhập đội quân triều đình để tiếp tục hành trình anh hùng vẫn đang chờ Mộc Lan lựa chọn. Sống vì đam mê, lý tưởng và tạo nên vận mệnh anh hùng cho chính mình, thông điệp của Mộc Lan mang tính chất tân thời mở cửa.
Hoa Mộc Lan 2020 mãn nhãn nhưng chưa thật sự thành công
Tận dụng triệt để đại cảnh, bài binh bố trận đậm chất Hollywood, âm thanh dồn dập liên tục, Mộc Lan 2020 mang đến nhiều pha hành động “đã tai đã mắt”. Nhưng đôi khi, sự hào nhoáng lại làm mất đi phong vị cốt lõi của phim so với bản gốc như tình đồng đội, khả năng lãnh đạo, tâm sự của Mộc Lan…
Sự hóa thân của Lưu Diệc Phi chưa thật sự khiến khán giả rung động trước nhân vật Mộc Lan. Biểu cảm gương mặt của cô quá ít, sạn đóng thế hiện rõ trên khung hình. Tuyến phản diện có đất diễn ít nhưng lại tạo điểm nhấn hơn tuyến chính diện.
Kỹ xảo phim sử dụng chưa hoàn toàn tốt, nhất là hình tượng chim phượng hoàng. Những lỗi sai sót trong thiết kế bối cảnh, phục trang chưa phù hợp với lịch sử cũng khiến khán giả khó tính thấy xa lạ với Mộc Lan đã bị “Mỹ hóa” quá nhiều.
Tuy Mộc Lan 2020 có những điểm chưa hoàn thiện và còn vấp phải lượng anti-fan khá lớn sau phát ngôn về bạo loạn Hồng Kông và “đường lưỡi bò” của Lưu Diệc Phi nhưng với tư cách là một khán giả yêu phim đơn thuần, ta cũng nên trân trọng những giá trị hay tồn tại trong tác phẩm. Ý kiến của bạn như thế nào, hãy thảo luận cùng chúng tôi nhé!
Trailer phim Mulan (2020):